Tiếng Việt | English

30/09/2024 - 22:40

Ẩn họa từ những hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội (MXH) trở thành một phần không thể thiếu của đời sống, nơi kết nối con người qua không gian và thời gian. Tuy nhiên, cùng sự phát triển đó, mặt trái của MXH cũng bắt đầu xuất hiện các hội, nhóm tiêu cực. Những hội, nhóm này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng.

Chỉ cái tên đã thấy tiêu cực

Hiện nay, trên các trang MXH, không khó để tìm ra các hội, nhóm với nội dung tiêu cực như Hội những người vỡ nợ muốn làm liều; Hội những người tìm cách tự tử không đau; Nhóm ngoại tình và vụng trộm kết bạn toàn quốc;... nhiều hội, nhóm khác với những cái tên “na ná” như thế, chỉ cái tên đã thấy tiêu cực.

Vậy mà, có những hội, nhóm có đến hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí là hàng trăm ngàn thành viên. Những hội, nhóm này đã và đang là môi trường thuận lợi cho những hành vi trái đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật.

Một bài đăng tiêu cực với ý muốn kết liễu bản thân trong 1 hội, nhóm trên Facebook

Trong Hội những người tìm cách tự tử không đau, có không ít bài viết chia sẻ tâm trạng bi quan, tuyệt vọng về cuộc sống, kèm theo đó là những lời khuyến khích đầy độc hại từ người khác.

Thay vì đưa ra những lời động viên, hỗ trợ tinh thần, các thành viên lại kích động nhau hành động tiêu cực, thậm chí khuyến khích lẫn nhau đi đến những quyết định đau lòng. Đây chính là dấu hiệu rõ ràng của sự thiếu kiểm soát trên không gian mạng, nơi những người dễ tổn thương về tâm lý có thể bị cuốn vào những tư tưởng tiêu cực và lệch lạc.

Anh N.H.N. (huyện Châu Thành) từng là người đầy nghị lực nhưng sau khi trải qua một biến cố lớn trong cuộc sống, anh rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Không dám chia sẻ với gia đình, bạn bè, anh N. lên mạng tìm kiếm sự đồng cảm và an ủi. Không như mong đợi, những nội dung tiêu cực, câu chuyện đau lòng và những lời bình luận đầy bi quan trong những hội, nhóm trên MXH khiến tinh thần anh N. thêm suy sụp. Thay vì tìm được động lực vươn lên, anh lại chìm sâu hơn vào sự tuyệt vọng.

Tương tự, Hội bùng nợ là nơi những thành viên chia sẻ kinh nghiệm trốn tránh nghĩa vụ tài chính, lừa đảo tiền từ các app cho vay. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các tổ chức tài chính mà còn phá hoại sự minh bạch và công bằng trong xã hội. Hành vi này có thể dẫn đến hậu quả tài chính nghiêm trọng đối với những cá nhân và doanh nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện cho những người có ý đồ xấu lợi dụng tình trạng không có quy tắc rõ ràng trên MXH.

Còn nhớ vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng, đâm chết nhân viên bảo vệ xảy ra ngày 22/11/2023. Tại cơ quan công an, 2 đối tượng bị bắt (Cường và Trí) khai đều không có việc làm, đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá, chơi game nên nợ tiền nhiều người. Trước đây, 2 người không quen biết, cùng tham gia nhóm liên quan đến việc "xù nợ, làm liều" trên MXH nên hay tương tác. Đầu tháng 11/2023, Cường thuê nhà trọ và rủ Trí về ở cùng. Để có tiền tiêu xài, cả 2 rủ nhau đi cướp tài sản nhà dân nhưng sau đó đổi ý, lên kế hoạch cướp ngân hàng.

Trước đó, ngày 07/3/2022, tại TP.Hà Nội, 2 tên cướp mang súng bật lửa, dao đến Phòng Giao dịch Vietinbank vờ là khách, đề nghị được rút tiền để cướp 500 triệu đồng. Hai tên này là thành viên của Hội những người vỡ nợ muốn làm liều, đây cũng là lần thứ 2 thành viên của hội này tổ chức các vụ cướp nhà dân lẫn ngân hàng.

Anh Vũ Nguyên Dũng (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) chia sẻ: "Tôi từng thấy nhiều hội, nhóm trên Facebook, ban đầu cứ nghĩ đó chỉ là những cái tên đặt cho vui. Nhưng thực tế, đây lại là những nơi tiềm ẩn nguy cơ gây ra tệ nạn xã hội, nơi các "con nợ" kết nối với nhau để lập kế hoạch thực hiện các hành vi phạm pháp như trộm cắp, thậm chí là cướp ngân hàng. Rõ ràng, chúng ta cần sớm ngăn chặn và triệt phá những mầm mống tội phạm này trên không gian mạng”.

Cần chủ động bảo vệ bản thân

Quyền tự do ngôn luận của người dân được pháp luật tôn trọng, tuy nhiên, mỗi cá nhân khi thực hiện hành vi của mình phải đúng chuẩn mực, phù hợp với quy định của pháp luật.

Hành vi đăng tải lên MXH những thông tin tiêu cực như bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị xem là phạm pháp, có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo luật sư Lê Văn Lâm - Giám đốc Chi nhánh Công ty Luật TNHH MTV Sài Gòn Mê Kông tại TP.Tân An, trường hợp những người tham gia hội, nhóm có hành vi xúi giục, hướng dẫn người khác tự tử có dấu hiệu cấu thành tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Còn với những hội, nhóm có hành vi xúi giục, hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, có dấu hiệu đồng phạm với vai trò giúp sức đối với các tội: Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS),...

Nhiều hội, nhóm tiêu cực đang có ảnh hưởng xấu đến tâm lý con người (Ảnh được tạo bởi AI)

Hậu quả về tâm lý từ việc tham gia vào các hội, nhóm tiêu cực trên MXH có thể rất nghiêm trọng, làm gia tăng lo âu và trầm cảm; tự cô lập; rối loạn tâm thần;...

Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Long An - Trần Văn Phương cho biết, hiện nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, khi gặp thất bại trong công việc hay cuộc sống, họ không tìm được sự an ủi, hỗ trợ từ gia đình. Thay vào đó, họ tìm đến MXH như một nơi để tìm kiếm sự đồng cảm.

Tuy nhiên, trên không gian mạng, đa phần là những người xa lạ, họ không hiểu rõ câu chuyện của bạn mà chỉ tiếp nhận những thông tin bạn chia sẻ, trong khi đó, khi một người đang trong trạng thái tâm lý tiêu cực, họ thường chỉ cung cấp những thông tin tiêu cực, dẫn đến việc nhận lại những phản hồi tiêu cực. Điều này càng làm cho người đó rơi sâu hơn vào khủng hoảng tâm lý.

“Vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ MXH. Cha mẹ cần hiểu con, đồng hành và chia sẻ với con từ nhỏ, tạo dựng mối quan hệ tin tưởng để các em tìm đến gia đình khi gặp khó khăn, thay vì lên MXH. Đồng thời, người dùng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn môi trường giao tiếp, tránh các hội, nhóm tiêu cực. Các tổ chức giáo dục cũng cần hỗ trợ nâng cao nhận thức, giúp mọi người sử dụng MXH một cách lành mạnh” - bác sĩ Phương chia sẻ.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Lê Thị Hồng Kết cho biết: Tỉnh Đoàn đã ký kết với Sở Thông tin và Truyền thông chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 đơn vị giai đoạn 2022-2026. Trong đó có những nội dung như phối hợp tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu nhi trên không gian mạng; tuyên truyền, hướng dẫn thanh, thiếu nhi thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên MXH; phối hợp trong việc phát hiện, xử lý các thông tin sai trái trên mạng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tỉnh Đoàn thường xuyên tổ chức vận động để đoàn viên, thanh, thiếu niên chia sẻ, đăng tải các thông điệp ứng xử văn minh trên trang MXH, cá nhân; tích cực hưởng ứng cuộc vận động Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp; đồng thời, tổ chức các minigame trên các nền tảng MXH để thu hút sự tham gia của đông đảo thanh, thiếu niên và xây dựng các video ngắn, infographic hấp dẫn, dễ hiểu về các vấn đề mà thanh, thiếu niên quan tâm.

MXH tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa đựng nhiều nguy cơ nếu không được quản lý chặt chẽ. Các hội, nhóm tiêu cực đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội. Việc xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh không là trách nhiệm của riêng ai mà cần sự đồng lòng của cả cộng đồng./.

Tổng cục Thuế yêu cầu công chức thuế không dùng mạng xã hội trong giờ làm việc 

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 3821/TCT-KT về chấn chỉnh việc dùng mạng xã hội, trong đó, yêu cầu công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Thuế không dùng mạng xã hội trong giờ làm việc.

Minh An

Chia sẻ bài viết