Tiếng Việt | English

02/10/2018 - 19:36

An Giang: Điều tra, làm rõ hành vi nổ súng "thị uy" trên sông Hậu

Khẩu súng trên cùng 23 viên đạn của ông Thắng đang bị tạm giữ phục vụ công tác điều tra. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 02/10, Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết Cơ quan điều tra Công an tỉnh đang điều tra làm rõ hành vi của đối tượng Lê Hữu Thắng (sinh năm 1975, cư trú phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) dùng súng "thị uy" với người khác trên sông Hậu, thuộc thủy phận xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang vào ngày 27/9.

Theo Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đang tạm giữ khẩu súng trên cùng 23 viên đạn đồng thời xác định đây là công cụ hỗ trợ do Thắng mua và đã được cấp phép. 

Việc Thắng mang theo khẩu súng (công cụ hỗ trợ được cấp phép sử dụng cho một tiệm vàng ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) và dùng súng "thị uy" với người khác là sử dụng súng không đúng mục đích đã được cấp phép. 

Trước đó, vào ngày 27/9, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn video kèm theo hình ảnh và thông tin về một người đàn ông dùng súng ngắn để thị uy nhằm giải quyết mâu thuẫn trên sông Hậu. 

Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Châu Thành, ngày 26/9, ông Lê Hữu Phước (sinh năm 1953, Giám đốc doanh nghiệp khai thác cát Tân Lê Quang, ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) phát hiện phao treo cắm phân định giới hạn cuối vùng khai thác cát tại đuôi cồn Bình Thủy, huyện Châu Phú (giáp với đầu cồn xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) của doanh nghiệp khai thác cát Tân Lê Quang bị đứt dây, trôi. 

Ông Phước đã phân công anh Lê Văn Chương và Nguyễn Duy Khánh - công nhân làm thuê cho doanh nghiệp khai thác cát Tân Lê Quang đi tìm phao. 

Khi hai anh Khánh và Chương đi tìm đến khu vực ấp Thạnh Hưng, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang thì thấy phao và tiến hành kéo phao về.

Trong lúc đó, có người trên chiếc tàu sắt của doanh nghiệp khai thác cát Thái Bình (doanh nghiệp khai thác cát đoạn tiếp giáp với doanh nghiệp Tân Lê Quang) đến dọa đánh và ném cây về phía anh Khánh và Chương nhưng không trúng. Sau đó, tàu sắt của doanh nghiệp khai thác cát Thái Bình bỏ đi. 

Đến khoảng 9 giờ ngày 27/9, ông Phước phân công Lê Hữu Thắng, sinh năm 1975, cư trú phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (con của ông Phước) cùng một số người làm thuê cho doanh nghiệp mang phao sắt cùng máy định vị tọa độ đi cắm lại ranh vùng giới hạn khai thác cát của doanh nghiệp mình tại đuôi cồn xã Bình Thủy.

Khi đó, Lê Hữu Thắng phát hiện phía đầu cồn xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành có chiếc xáng cạp (phương tiện khai thác cát) của doanh nghiệp khai thác cát Thái Bình đang khai thác ngoài vùng giới hạn nên gọi một công nhân đến ngang phao giới hạn của doanh nghiệp Thái Bình để chụp hình, ghi lại sai phạm của doanh nghiệp này.

Lúc này, có 3 thuyền của doanh nghiệp Thái Bình chở theo nhiều người và có mang theo một cây dao tự chế chạy đến gần tàu của Thắng đòi chém nên Thắng đã lấy khẩu súng mang theo ra bắn chỉ thiên 1 viên. Thuyền của doanh nghiệp Thái Bình dạt ra xa và bỏ đi.

Còn theo thông tin từ chủ nhân trang Facebook đăng tải video - ông Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên khai thác của doanh nghiêp Thái Bình, cho biết vào sáng 27/9, ông cùng với nhóm công nhân đang làm việc trên thủy phận sông Hậu (thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Lúc này, xuất hiện một người đàn ông đứng phía trước chiếc ghe dùng điện thoại quay lại cảnh khai thác cát của nhóm ông Tuấn. Lát sau, giữa ông Tuấn và người đàn ông trên giáp mặt và có lời lẽ tranh cãi qua lại. Sau đó, người đàn ông rút một khẩu súng từ túi quần bắn một phát và tiếp tục cầm trên tay để đe dọa nhóm người của ông Tuấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Quý, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết khu vực sông Hậu từ bến đò Bình Thủy (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú đi xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) đến khu vực bến đồ Bình Phú (xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành đi xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới) hiện có 3 mỏ cát đang còn giấy phép hoạt động; trong đó mỏ của doanh nghiệp khai thác cát Tân Lê Quang nằm phía trên; 2 mỏ cát của doanh nghiệp khai thác cát Thái Bình nằm phía dưới. 

Khoảng cách giữa mỏ cát của doanh nghiệp khai thác cát Tân Lê Quang và mỏ cát của doanh nghiệp khai thát cát Thái Bình (khu vực cát tiếp giáp) khoảng 1,5km.

Theo ông Quý, từ khi các mỏ cát này được cấp phép hoạt động, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt việc thả phao định vị mỏ cát. Đến nay, đơn vị chưa nhận bất kỳ phản ánh nào từ phía người dân, doanh nghiệp về việc lệch phao định vị hay khai thác cát ngoài khu vực được cấp phép. 

Trong trường hợp người dân hoặc doanh nghiệp phát hiện sai phạm trong khai thác cát thì phải báo cơ quan chức năng chứ không được tự ý định vị tọa độ để cắm lại ranh vùng giới hạn khai thác cát của doanh nghiệp mình, ông Hồ Văn Quý khẳng định.

Cách đây khoảng 2 tuần, đoàn kiểm tra của Tổng cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản trên sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh An Giang. 

Qua kiểm tra, đoàn không phát hiện dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết