Tiếng Việt | English

04/06/2024 - 16:50

Ẩm thực Bảy Núi vào mùa

Mùa mưa đến, vùng Bảy Núi như thay áo mới với màu xanh ngút ngàn trên đỉnh non cao và những cánh đồng ruộng trên mướt mắt. Cùng với đó, những đặc sản của vùng đất bán sơn địa này cũng bước vào mùa.

Ẩm thực côn trùng

Những cơn mưa đầu mùa về tắm mát mặt đất khô cằn của vùng Bảy Núi, dường như cũng “đánh thức” loại côn trùng độc đáo với cái tên: Bọ rầy. Với nhiều người, hình dáng của loại côn trùng này không phải dễ nuốt, nhưng người dân địa phương xem đây là đặc sản với cách chế biến cầu kỳ, mang hương vị đặc trưng.

Bọ rầy – đặc sản hấp dẫn vùng Bảy Núi

Anh Nguyễn Văn Bền (chủ quán ăn chuyên chế biến món bọ rầy tại phường Nhà Bàng, TX. Tịnh Biên) cho biết: “Bọ rầy sau khi mang về sẽ được ngắt bỏ chân, moi sạch ruột. Người kỹ tính sẽ trụng nước sôi để loại hết tạp chất trên loài côn trùng này. Sau đó, đem ngâm muối và xả bằng nước sạch. Phải qua vài ba lần thao tác như vậy mới bắt đầu chế biến các món ăn.

Người ta có thể chiên không cũng ăn ngon, nhưng tôi sẽ nhét vào bụng bọ rầy hỗn hợp thịt, đậu phộng, tiêu hột để tăng hương vị món ăn. Dù chế biến theo cách nào thì hương vị đọng lại sau cùng là sự giòn thơm khi cho bọ rầy vào miệng”.

Theo lời anh Bền, trước đây, bọ rầy nhiều vô kể và chúng chỉ là món ăn chơi của người dân Bảy Núi. Bây giờ, bọ rầy trở thành đặc sản được nhiều người tìm kiếm để thưởng thức hương vị thơm ngon của chúng. Do mỗi năm chỉ xuất hiện trong vài tháng, nên giá bán của bọ rầy tương đối cao, khoảng 300.000 đồng/kg thời điểm đầu mùa.

Những con bọ rầy qua chế biến, mức giá sẽ cao hơn nhiều. Với thực khách phương xa, lần đầu trông thấy những con bọ rầy được bày trên dĩa sẽ vô cùng khó nuốt. Tuy nhiên, khi đã nếm thử vài con, sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của chúng.

Thời điểm mưa già, mỗi ngày anh Bền thu mua từ 1.500 - 2.000 con bọ rầy để phục vụ thực khách gần xa. Các “mối” giao bọ rầy cho anh đến từ xã Văn Giáo và các phường Nhơn Hưng, An Phú, Nhà Bàng. Nhờ con bọ rầy, những người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập và anh Bền cũng đủ nguồn cung phục vụ thực khách. Anh Bền cho hay, mỗi năm, bọ rầy chỉ xuất hiện từ khoảng cuối tháng 3 đến hết tháng 7, nên giới sành ăn sẽ tranh thủ thưởng thức lúc rộ mùa.

Để tăng sự hấp dẫn cho món ăn, anh Bền mời thực khách dùng chung với nước mắm xoài. Để làm ra dĩa nước mắm, anh chọn loại xoài thật chua. Anh Bền bật mí, nếu dùng xoài Thái Lan hay xoài Đài Loan sẽ không “dính” với bọ rầy. Do đó, xoài càng chua sẽ càng hấp dẫn bởi nó đánh thức vị giác của thực khách. Trên dĩa nước mắm xoài, anh Bền rắc thêm ít ớt bột trông khá đẹp mắt. Thịt bọ rầy chấm nước mắm xoài là sự hòa quyện giữa các vị chua, cay, mặn, ngọt khiến cho thực khách vô cùng thích thú.

Vào mùa cua núi

Những ngày mưa xuống, du khách đến An Giang cũng sẽ tò mò với những món ăn ở chốn non cao, nhất là câu chuyện “mò cua, bắt ốc” của người dân trên núi Cấm. Quả thật, ngọn núi cao nhất miền Tây này luôn có nhiều loại đặc sản theo mùa, cua núi cũng nằm trong danh sách đó. Năm nay, mưa trễ nên mùa cua núi cũng trễ theo. Hiện tại, dân câu cua trên núi kiếm chưa đến chục con mỗi ngày, nên phải rọng lại một vài hôm mới đủ giao cho khách.

Du khách đến núi Cấm vào mùa mưa rất thích món cua núi trứ danh

Là người hay cung cấp đặc sản này cho thực khách phương xa, anh Lê Gia Giang (người dân sống trên núi Cấm) cho hay: “Năm nay, nguồn cua núi ít, vì đến thời điểm này lượng mưa chưa đủ. Mấy đường ô nước trên núi còn khá cạn, cua không có chỗ trú ngụ, sinh sản nên “kiếm đỏ mắt” mới được chục con mỗi ngày. Muốn được 1kg cua núi đãi khách, tôi phải đợi người ta đi bắt tới 2 - 3 ngày nên mức giá còn cao lắm, khoảng 350.000 đồng/kg”.

Với cua núi, đa phần thực khách thích rang me, rang muối. Thịt cua núi thơm ngọt tự nhiên, kết hợp với vị chua của me, gia vị sẽ rất ngon. Ngoài ra, việc luộc sả ăn ngay cũng khá “dính”, vì thịt cua sẽ giữ được hương vị đặc trưng. Khách đến núi Cấm trong mùa mưa, sẽ rất hào hứng muốn nếm thử hương vị của loại cua ẩn mình trên chốn non cao.

Tuy nhiên, vì tập tính sinh sống tự nhiên của loài vật này, nên không phải lúc nào cũng có sẵn để phục vụ thực khách. Ngoài ra, người dân trên núi Cấm cũng hay nói với nhau sẽ không bắt cua nhỏ và cua đang mang trứng. Họ hiểu rằng “lộc trời” là hữu hạn, nếu không giữ gìn sẽ chẳng còn cua để tăng thu nhập những lúc rảnh rỗi tay chân.

Du lịch An Giang: Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của miền Tây Nam bộ  

An Giang, một viên ngọc quý của miền Tây Nam bộ, mở ra một chân trời mới cho du khách với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ và nét văn hóa đặc sắc.

Ngoài cua núi, người dân trên núi Cấm cũng tìm bắt ốc núi để cung cấp cho thực khách. Ốc núi với hương vị thơm ngon đặc trưng, qua bàn tay chế biến của những đầu bếp nghiệp dư miền sơn dã sẽ có hương vị rất riêng, xứng đáng là món ăn để du khách tìm kiếm khi đến với miền Thất Sơn hùng vĩ.

Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, vùng Bảy Núi còn sở hữu những loại đặc sản thơm ngon được kết tinh từ thổ nhưỡng, nắng gió và bàn tay chế biến của người dân nơi đây. Để khai thác hết giá trị của những đặc sản này, cần có phương án phát huy song song với biện pháp bảo tồn hợp lý, nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách khi đến An Giang, nâng cao đời sống người dân địa phương thông qua nguồn thu từ du lịch./.

Theo baoangiang.com.vn

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/am-thuc-bay-nui-vao-mua-a397019.html

 
Chia sẻ bài viết