Tiếng Việt | English

14/01/2020 - 19:10

Âm thầm “rót” mật ngọt cho đời

Nhiều năm qua, họ lặng lẽ “đi xin” từng phần quà, tận tay trao những suất tiền hỗ trợ đến những hoàn cảnh khó khăn bằng sự sẻ chia sâu sắc.


Ngoài công việc làm ăn, bà Trần Thị Keo (bìa phải) thường dành thời gian tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ họ vươn lên trong cuộc sống

1. 1 giờ sáng, bà Trần Thị Keo, ngụ ấp Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An, thức giấc. Sau khi chuẩn bị một số thực phẩm chủ yếu để làm chả chay giao cho khách, bà dành thời gian còn lại để làm công tác thiện nguyện. 

Nay đã bước qua độ tuổi 63, mỗi đêm bà chợp mắt không được bao lâu. Những ngày gần tết, công việc làm ăn lại càng bận rộn nhưng bà vẫn tham gia công tác xã hội. Bà nói: “Làm riết rồi quen nên tôi chẳng thấy vất vả. Có lẽ do xuất thân từ gia đình nghèo khó, cuộc sống lam lũ quen rồi nên giờ thấy ai cực khổ là mình thương. Miễn tôi có sức khỏe, còn lao động được là còn trích một phần lợi nhuận từ công việc làm ăn để giúp người, giúp đời”.

Người khác nghĩ gì bà không bận lòng, chỉ cần làm được việc nho nhỏ cho đời là bà thấy vui. Điều đó cũng dễ hiểu khi bà tự bỏ tiền túi, công sức đi tìm hiểu, hỗ trợ quà, tiền, xây nhà tình thương, bếp ăn từ thiện,… cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật. Và cũng chẳng có gì lạ khi nhiều người thường thấy trong nhà bà luôn có nhiều gạo và một số nhu yếu phẩm khác,… “Hồi trước, mấy chú bán gạo cứ thắc mắc sao tôi mua một lần 5-7 bao gạo, rồi dầu ăn, nước tương,… cái gì cũng nhiều. Tôi để dành tại nhà, phòng khi có người nghèo khó đến xin thì mình cho. Gia đình tôi cũng không khấm khá bao nhiêu nhưng trong khả năng cho phép thì mình có thể giúp”. 

Tiếng lành đồn xa, thỉnh thoảng tại nhà của bà lại có người tìm đến để xin quà từ thiện. Tùy từng trường hợp khó khăn, bệnh tật mà bà cho quà hoặc tiền, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Bà cũng hỗ trợ thường xuyên cho vài hộ trong ấp bị bệnh hiểm nghèo. Trong đó, có gia đình bà Trần Thị Út. Chồng bà Út bị bệnh không có khả năng lao động, một mình bà đi làm mướn nuôi cả nhà. Vì vậy, những lần bà Út đến, bà Keo lại cho tiền để mua thuốc cho chồng trị bệnh.

Bà không nói rõ về số tiền đã giúp đời nhưng qua những gì địa phương cho biết, chúng tôi nhẩm tính, mỗi năm có khi lên đến trăm triệu đồng. Và bây giờ bà lại tất bật chuẩn bị quà để tặng người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. 

Ông Nguyễn Văn Triều (giữa) kiểm tra một số thông tin để chuẩn bị phát quà cho người có hoàn cảnh khó khăn 

2. Không chịu “nghỉ ngơi” khi về hưu, năm nay bước sang tuổi 67, ông Nguyễn Văn Triều, ngụ ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, vẫn rong ruổi theo nhiều đoàn tham gia công tác từ thiện - xã hội. 

Những ngày này, nhiều người dân lại thấy ông tất bật vận động quà tết cho người nghèo, cùng mạnh thường quân đi bàn giao nhà tình thương,… để người dân kịp đón tết. Năm 2019, ông vận động xây dựng 19 căn nhà tình thương, 1 căn nhà tình nghĩa; trao tặng 5 suất học bổng (mỗi suất 5,5 triệu đồng, duy trì liên tục 6 năm qua) cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động làm đường nông thôn,… với tổng kinh phí gần 1 tỉ đồng. 

Để kịp bàn giao nhà cho người dân đón tết, ông tự bỏ công đi khảo sát, hối thúc đơn vị thi công cho kịp thời gian,… Mỗi trường hợp được khảo sát xây nhà là một hoàn cảnh, số phận khác nhau khiến ông nghẹn lòng. Cùng ông đến thăm một gia đình, chúng tôi cảm nhận niềm hạnh phúc dâng trào trong ngôi nhà còn mùi sơn mới, như lan tỏa trong câu chuyện của những hộ gia đình sống hơn nửa đời người mới có được căn nhà trọn vẹn. 

Sau 30 năm gắn bó với công tác Hội Chữ thập đỏ huyện, năm 2014, ông Triều về hưu. Ông tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương. Trăn trở trước những khó khăn của hộ nghèo về nhà ở, ông đề xuất, cùng chính quyền địa phương khảo sát từng trường hợp cụ thể và vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà tình thương, tặng học bổng, phương tiện đi lại cho hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Không những vậy, chung tay xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, ông vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây cầu giao thông nông thôn tại xã Phước Lại. Tháng 10/2019, được sự vận động của huyện, ông trở lại làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện với mong ước giúp đỡ nhiều hơn cho những mảnh đời bất hạnh. 

Chia sẻ về việc mình làm, ông cho rằng: "Lúc đi khảo sát xây dựng nhà tình thương, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều hộ gặp khó khăn về nhà ở nên luôn canh cánh bên lòng trách nhiệm chưa làm tròn. Hơn nữa, tôi may mắn và có duyên với một số nhà tài trợ, ủng hộ hết mình cho công tác từ thiện - xã hội địa phương. Tết năm nay, thông qua nguồn vận động, tôi dự định trao 110 phần quà cho người dân nghèo”. 

Bà Trần Thị Be nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành vì có nhiều đóng góp cho công tác xã hội

3.  Những vất vả, khó nhọc thời trẻ đã vun đắp nên lòng nhân ái của bà Trần Thị Be, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành. Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ khi bà tròn 21 tuổi. Ở độ tuổi đôi mươi, một mình bà nuôi người con trai khôn lớn nên người. Bản thân bà cũng là người nuôi giấu cán bộ, từng bị địch bắt và ở tù. Thấu hiểu, chia sẻ với những khó nhọc trong cuộc sống xưa kia, giờ đây khi con thành đạt, bà dành trọn thời gian cho công việc thiện nguyện.

Hiện nay, dù đã 75 tuổi nhưng hàng ngày trên chiếc xe đạp, bà vẫn đi về để nhận những phần quà từ thiện cho một số hộ gia đình bệnh tật trong ấp, hoặc đi “xin” quà, tập vở cho người nghèo, học sinh con gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Mấy năm gần đây, trên địa bàn xã có một số hộ dân từ những nơi khác đến làm mướn thanh long. Bà tận tình hướng dẫn, chỉ bảo họ tìm nhà trọ, đăng ký tạm trú,… để có cuộc sống ổn định. Khoảng 1 năm trước, có thanh niên từ tỉnh Đồng Tháp lên làm mướn tại đây và tình cờ quen bà. Thấy hoàn cảnh của người này khó khăn, bà cho mượn tạm đất vườn của gia đình để trồng thanh long, có thêm thu nhập. Đó là chưa kể đến việc nhiều năm trước, bà từng hiến một phần diện tích đất để làm kênh, mương nội đồng,… Hay đó còn là việc bà kêu gọi một số hộ dân trong ấp giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, nhặt rác, phát quang bụi rậm,…

“Tôi già rồi nên mấy việc đó tôi chỉ hô hào cho các cháu làm thôi, thơm thảo thì tôi cho tiền mua nước uống! Tôi nhận thấy trước kia cuộc sống mình cũng từng khó nhọc nên giờ có điều kiện thì giúp một phần công sức cho địa phương. Quan điểm của tôi là chỉ cho quà, nhà tình thương,… tiếp sức cho những người có hoàn cảnh không may nhưng siêng năng, chịu khó, có nghị lực, biết vươn lên trong cuộc sống. Nhiều lần con, cháu khuyên tôi nghỉ ngơi nhưng tôi thấy mình còn khỏe, hơn nữa lại thấy vui nên vẫn tiếp tục” - bà cười nói.

Tình người như được xích lại gần nhau qua từng lời nói, sự an ủi chia sẻ, động viên với những mảnh đời không may trong cuộc sống. Thật ý nghĩa hơn bao giờ hết khi những ngôi nhà tình thương được xây tặng, những phần quà được trao trong dịp giáp tết. Thế mới cảm nhận được, người Việt luôn có tinh thần “tương thân, tương ái”./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết