Bếp Thanh Phú, huyện Bến Lức nấu nước rong biển tặng khu cách ly và các chốt trực phong tỏa
Tình người nhóm bếp
Từ Bình Định vào Long An được gần 2 tháng, vợ chồng ông Trần Văn Hà thuê trọ tại phường 3, TP.Tân An đi làm thuê ở các vườn thanh long. Khu trọ có F0, bị phong tỏa 21 ngày, ông bà không ra ngoài được. Nguồn thu nhập cũng không còn. 2 ngày đầu phong tỏa, ông bà có gì ăn nấy, còn chưa biết tính sao với những ngày kế tiếp thì có mạnh thường quân gửi tới ít gạo, mì và cá mòi. Vài hôm nữa, bếp ăn từ thiện mang đến cho ông bà 2 bữa cơm trưa và tối mỗi ngày cho đến hết phong tỏa. Kể chuyện của mình, ông Hà nói giọng run run: “21 ngày phong tỏa chỉ quanh quẩn trong phòng trọ thấy bí bách quá nhưng phong tỏa vậy cũng tốt, cho dịch bệnh không lây lan ra ngoài. Ở trong này, vợ chồng tui không có tiền nhưng được bà con thương nên cũng đỡ. Tui chỉ trông cho hết dịch để đi làm yên tâm”.
Bị phong tỏa, cách ly, rất nhiều người lâm vào cảnh khó khăn khi công việc, thu nhập bị ảnh hưởng, không được đi lại mua sắm nhu yếu phẩm. Hiểu được điều đó, rất nhiều tổ chức, cá nhân kết nối với nhau để chăm lo, giúp đỡ người trong khu cách ly, phong tỏa. Bếp chay 5.000 đồng của Câu lạc bộ (CLB) Thiện Tâm (TP.Tân An) chuyên phục vụ các hộ khó khăn tới mùa dịch chuyển thành bếp ăn 0 đồng nấu ăn cho các khu phong tỏa tại phường 3 và phường 7. Khi bếp chính thức vận hành, các đơn vị, cá nhân khác không ai bảo ai cùng chung tay hỗ trợ. Người vòng trong, người vòng ngoài mỗi bữa đưa hàng trăm suất cơm đến cho cán bộ làm nhiệm vụ và người dân khó khăn trong các khu phong tỏa. Ngoài bữa cơm dinh dưỡng, bếp còn cung cấp món tráng miệng, nước uống: Nước chanh, trà sữa,… hoàn toàn miễn phí.
Từ vùng trồng rau miền hạ, hàng tấn rau xanh được chuyển đi khắp các khu cách ly, phong tỏa trong tỉnh (Trong ảnh: Việc chuẩn bị và tặng rau, nhu yếu phẩm tại Cần Đước)
Để duy trì được một căn bếp yêu thương như vậy không phải dễ dàng nhưng khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nơi nào có khu cách ly, phong tỏa là nơi đó căn bếp lớn được nhóm lên. Những người nhóm bếp chẳng nghĩ gì ngoài việc lo cho xã hội. Nhiều người sẵn sàng hy sinh không gian sinh hoạt của gia đình làm bếp ăn. Từ khi khu căng tin Khối vận huyện Thạnh Hóa trở thành bếp ăn cho Bệnh viện dã chiến Thạnh Hóa, chị Huỳnh Thị Xuân (đầu bếp nhà ăn Khối Vận huyện Thạnh Hóa) bảo đứa con trai 8 tuổi lui xuống ở hẳn phía nhà sau, dành không gian cho việc nấu nướng. Mỗi ngày, bếp phục vụ gần 450 suất ăn cho cả 3 bữa sáng, trưa, chiều. Căn bếp đỏ lửa cả ngày, từ 3-15 giờ. Chị Xuân cho biết: “Nấu luôn bữa sáng nên tầm 2 giờ là tôi phải đi chợ, nhóm bếp để khoảng 6-7 giờ thức ăn phải được đóng gói xong chuyển vô bệnh viện cho kịp, còn nấu ăn trưa, chiều. Bận với bếp ăn, tôi bảo con trai tự chăm bản thân. Nhiều hôm, tôi mệt ăn cơm không nổi, mấy chị em lấy sữa, lấy thuốc bổ cho tôi”. Biết là vất vả nhưng chị Xuân cùng các chị em khác vẫn dặn lòng cố gắng. Bởi, các chị nghĩ và thương cho những người đang phải cách ly điều trị bên trong bệnh viện.
Như một đại gia đình
Khi dịch bệnh đặt áp lực lên nền kinh tế và cuộc sống của nhiều người thì cũng là lúc tình yêu thương, truyền thống nhân ái, sẻ chia được kích hoạt. Toàn tỉnh hiện có 45 bếp ăn với khoảng 500 người hỗ trợ nấu ăn trực tiếp tại bếp, chưa kể lực lượng vận chuyển (theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh). Và khi những căn bếp lớn được nhóm lên sẽ có ngay người góp rau, góp gạo để bếp được duy trì và thêm ấm áp tình thương.
Những phần cơm từ các căn bếp chuẩn bị chuyển đến người trong khu cách ly, phong tỏa (Trong ảnh: Phần cơm của bếp tại căng tin Khối Vận huyện Thạnh Hóa)
Bếp ăn tại căng tin Khối Vận huyện Thạnh Hóa được địa phương tài trợ kinh phí ban đầu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, bếp nhận được nhiều sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn từ gạo, rau đến củi đốt, dầu ăn,… Thậm chí, bà Nguyễn Kim Ánh (thị trấn Thạnh Hóa) còn mang đến những vật dụng ít người nghĩ đến: Miếng nhấc nồi, bùi nhùi chùi xoong,… Bà Ánh là mạnh thường quân thường xuyên của bếp ăn. Hầu như mỗi ngày bà đều mang tới các nhu yếu phẩm cần thiết và ở lại hỗ trợ chị em nấu nướng. Bà vui vẻ nói: “Trước đây, tôi vận hành bếp ăn cho bệnh nhân trong Bệnh viện Thạnh Hóa. Nay, Bệnh viện Thạnh Hóa chuyển thành bệnh viện dã chiến, việc nấu ăn chuyển về căng tin Khối Vận nên tôi chuyển hết những gì tôi có từ bếp bên này sang bên ấy cùng chị em làm”.
Không chỉ ở nơi có bếp ăn, từ vùng trồng rau miền hạ, hàng tấn rau xanh được chuyển đi khắp các khu cách ly, phong tỏa trong tỉnh và TP.HCM. Nhà nhà, người người có rau cho rau, không có rau thì góp tiền mua rau của nông dân để tặng người đang khó khăn trong vùng phong tỏa. Là tiểu thương mua bán rau nên từ khi dịch bùng phát tại xã Phước Vân, huyện Cần Đước đến nay, bà Nguyễn Thị Một (ấp 5, xã Phước Vân) thường xuyên mua rau tặng người dân vùng phong tỏa. Bà nói: “Bà con trồng rau vất vả, mình vận động bà con cho không thì cũng thương. Nói mua nhưng thực ra là phụ tiền phân bón, công chút ít cho bà con thôi”. Có ngày, bà Một mua 400-500kg rau gửi tặng khắp Cần Đước, Cần Giuộc. Rau cắt từ vườn được chuyển tới tay người cần bằng những chuyến xe miễn phí, dù các tài xế xe chẳng khá giả gì, bởi ai cũng muốn được san sớt, sẻ chia trong những ngày nhiều vất vả.
Biết rằng dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng chính trong cơn đại dịch này mới thấy rõ sức mạnh đoàn kết, tình yêu thương của người dân là không giới hạn. Xã hội rộng lớn bỗng chốc thân thương như một đại gia đình./.
Nhằm hỗ trợ người dân trong các khu phong tỏa, cách ly, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp Hội luôn có kịch bản cụ thể sẵn sàng cho tình huống phong tỏa bất kỳ nơi nào trên địa bàn. Ở mỗi xóm, ấp chuẩn bị lực lượng nòng cốt hậu cần, chọn sẵn điểm nhận hàng hỗ trợ, điểm nấu bếp. Hội chủ động cùng Ban Chỉ đạo chuẩn bị bếp nấu ăn, nguồn vận động phù hợp".
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm
|
Mộc Châu