Không biết tự bao giờ, Tết Trung thu trở thành ngày hội của gia đình tôi. Ngày còn nhỏ ở quê, cứ chừng đầu tháng 8 Âm lịch, ông ngoại lại vót tre làm cho mỗi đứa cháu một chiếc lồng đèn ông sao. Và Tết Trung thu của những đứa trẻ vùng quê cũng bắt đầu từ đầu tháng 8. Tối đến, những đứa trẻ trong xóm í ới gọi nhau cùng rước đèn. Những chiếc đèn ông sao nhấp nháy, lung linh có một sức mê hoặc rất lớn đối với đám trẻ con. Chúng tôi đốt đèn rồi “rồng rắn” kéo nhau đi khắp xóm. Vui nhất là đêm rằm tháng 8, trời chạng vạng tối, chúng tôi đã tập hợp ở sân nhà bà Năm để cùng đi rước đèn. Nhà bà có khoảng sân rộng, năm nào cũng vậy, bà chuẩn bị thật nhiều bánh kẹo cho đám trẻ con. Chúng tôi rước đèn từ nhà này sang nhà khác và điểm cuối là nhà ngoại tôi, cùng quây quần trước sân để nghe ông ngoại kể chuyện Chú Cuội, chị Hằng rồi cùng nhau chơi rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê,...
Tôi theo cha mẹ về thành phố sống và mang theo cả nếp quê. Năm nào cũng vậy, Tết Trung thu, mẹ nấu những món ngon đãi cả nhà. Tối đến, gia đình tôi quây quần trước sân, cùng uống trà, ăn bánh và kể nhau nghe về những ngày ở quê. Những câu chuyện cứ nối tiếp nhau, tiếng nói cười rôm rả. Như thành nếp nhà, năm nào cứ đến Tết Trung thu, anh em tôi cũng đều thu xếp công việc để về sớm phụ mẹ nấu mâm cơm, họp mặt trong ngày đoàn viên. Ngoài Tết Nguyên đán thì Tết Trung thu là ngày có đầy đủ các thành viên trong gia đình, cùng quây quần bên nhau, thưởng thức ly trà thơm, chiếc bánh dẻo.
Trong cuộc sống hiện đại, những buổi họp mặt gia đình thưa dần bởi ai cũng tất bật với công việc riêng thì Tết Trung thu là dịp để mọi người gác lại những bận bịu của cuộc sống để ngồi lại bên nhau cùng tận hưởng giây phút sum vầy bởi Trung thu là tết đoàn viên, tết của tình thân./.
Quỳnh Chi