Tiếng Việt | English

07/09/2023 - 09:57

Ấm áp hai tiếng 'đồng bào'

Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, những người di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã có căn nhà kiên cố. Người lớn có việc làm, trẻ em được đến trường. Họ đang dần bước ra khỏi khó khăn, lạc hậu để tự tin bước tiếp trên con đường tương lai.

Đã gần 5 năm trôi qua nhưng đến bây giờ, anh Tăng Văn Sang (xã Vĩnh Bình) vẫn không thể quên được niềm hạnh phúc vỡ òa khi anh cùng hàng chục hộ di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống tại huyện Vĩnh Hưng được tạo điều kiện ở trong căn nhà kiên cố.

Anh Sang chia sẻ: “Với vợ chồng tôi, có được cuộc sống ổn định như thế này giống như một phép màu bởi thời điểm từ Biển Hồ, Campuchia trở về Việt Nam, vợ chồng tôi chỉ mong làm đủ ăn ngày 2 bữa, mấy đứa con không còn chịu cảnh đói khát chứ nào dám mơ về một ngôi nhà kiên cố”.

Anh Tăng Văn Sang (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) có cuộc sống và nghề nghiệp ổn định. Đối với anh, cuộc sống bây giờ giống như một phép màu

Từ nhỏ, anh Sang đã theo gia đình sang Biển Hồ sinh sống bằng nghề đánh bắt cá nên không nhớ rõ quê hương, xứ sở. Cuộc sống nơi xứ người khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thậm chí ăn không đủ no nên anh quyết định lên ghe xuôi con nước từ Biển Hồ đưa gia đình nhỏ về huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An sinh sống vào năm 2006.

Khi mới về Việt Nam, anh Sang cũng như bao người di dân tự do khác phải thuê đất, dựng tạm nhà sàn dọc theo các tuyến kênh và mưu sinh bằng nghề làm thuê, đánh bắt thủy sản. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, anh được bố trí vào ở tại cụm dân cư Bình Châu B, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng trong căn nhà tường kiên cố. Có nơi ở ổn định, anh học nghề và mở tiệm sửa xe nhỏ tại nhà.

Trẻ em là con của người di dân tự do từ Campuchia về Long An được tạo điều kiện tiếp cận con chữ

Ngoài tạo điều kiện cho người di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam vào ở trong các ngôi nhà kiên cố, chính quyền địa phương còn hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm cho những người trong độ tuổi lao động. Còn đối với trẻ em được sinh ra tại Campuchia, chính quyền địa phương mở các lớp học miễn phí cho những trẻ không có giấy khai sinh, không biết chữ. Riêng những trẻ sinh tại Việt Nam, chính quyền địa phương tạo điều kiện làm giấy khai sinh để các em được đến trường như các bạn cùng trang lứa.

Chị Đỗ Thị Mẫn (xã Vĩnh Bình) cho biết: “Từ nhỏ, 8 anh chị em tôi sống ở Campuchia nên không biết chữ Việt, thậm chí khi mới về Việt Nam, có người nói tiếng Việt không rành. Do đó, khi chính quyền địa phương tạo điều kiện cho 2 đứa con tôi đi học, ai cũng mừng và càng quyết tâm cho các con học đến nơi, đến chốn”.

Được đến trường, được đi học, tiếp cận với những thông tin bổ ích giúp em Kim Thị Thúy (xã Vĩnh Bình) nói riêng, trẻ em con người di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam nói chung ngoan ngoãn hơn và bắt đầu xây dựng ước mơ về một tương lai tươi sáng. Em Thúy nói: “Được đi học, có bạn bè, thầy cô, em vui lắm! Em sẽ cố gắng học thật giỏi để làm cô giáo vì em muốn dạy chữ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như mình”.

Bằng tất cả tình cảm thân thương từ 2 tiếng “đồng bào”, năm 2019, huyện Vĩnh Hưng xây dựng 75 căn nhà, bố trí chỗ ở ổn định cho khoảng 400 nhân khẩu là người gốc Việt từ Campuchia về địa phương sinh sống. Ngoài ra, địa phương còn cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và vận động các nguồn lực thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm ổn định cuộc sống.

Từ những con số không: Không nhà ở, không giấy tờ tùy thân, không nghề nghiệp, không biết chữ,... nhưng nhờ sự chung tay, nỗ lực của chính quyền địa phương, cuộc sống của những người di dân tự do từ Campuchia về huyện Vĩnh Hưng dần ổn định. Đó là tình cảm, trách nhiệm xuất phát từ trái tim, từ hai tiếng “đồng bào”. Thế mới thấy, nghĩa đồng bào luôn ấm áp và sâu nặng, không gì thay thế được./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết