Ca phẫu thuật ghép thận heo vào người nhận đã chết não tại Trung Quốc (Ảnh: BỆNH VIỆN XIJING/XINHUA NEWS AGENCY/EYEVINE/REDUX)
Cấy ghép thận heo cho người; xét nghiệm máu phát hiện Alzheimer; thuốc tránh thai không cần kê đơn... là những tiến bộ trong lĩnh vực y học và sức khỏe năm 2024, theo National Geographic.
Thuốc tránh thai không cần kê đơn
Năm 2024, lần đầu tiên thuốc tránh thai đã có sẵn ở Mỹ mà không cần kê đơn. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt loại thuốc uống hằng ngày này, Opill, vào năm ngoái, và hiện nay thuốc đã có sẵn cho mọi người.
Opill chỉ chứa progestin, một dạng tổng hợp của progesterone, không giống như các loại thuốc tránh thai kết hợp thông thường chứa cả hai hormone nữ gồm estrogen và progesterone.
Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin thường ít gây tác dụng phụ hơn và có thể sử dụng được với người đang cho con bú, bị huyết áp cao, hoặc có tiền sử cục máu đông.
Van tim thay thế có khả năng phát triển
Lần đầu tiên trong ca ghép tim một phần, các bác sĩ đã ghép cho một bé trai bộ van tim mới có thể phát triển cùng với em.
Trước đây, các van tim thay thế bằng cơ học hoặc sinh học không thể phát triển hoặc tự sửa chữa. Trong trường hợp ghép van cơ học, bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời.
Tuy nhiên, trong ca phẫu thuật mới này, em bé có van tim bị lỗi đã nhận được van tim từ một em bé khác với van tim hoạt động tốt. Do van tim được cấy ghép là mô sống, chúng có khả năng phát triển và tự sửa chữa như một trái tim bình thường, giúp bé trai không phải phụ thuộc vào thuốc chống đông máu hoặc phải phẫu thuật thay thế van tim.
Cấy ghép thận heo cho người
Năm nay, các bác sĩ đã thành công trong việc cấy ghép nhiều cơ quan từ heo sang người. Bước tiến này mở ra hy vọng mới cho những người đang chờ đợi cấy ghép tạng.
Tại Mỹ, các bác sĩ ở Boston đã cấy ghép thận heo chỉnh sửa gene cho một bệnh nhân. Việc chỉnh sửa gene nhằm loại bỏ các gene có hại và thêm các gene của con người để tăng khả năng tương thích. Ngoài ra, các nhà khoa học đã vô hiệu hóa virus trong heo để tránh nguy cơ lây nhiễm cho con người.
Ở một bước tiến mang tính thử nghiệm hơn, các bác sĩ Trung Quốc đã cấy ghép gan heo cho một người đã chết lâm sàng. Lá gan này vẫn tiếp tục sản xuất mật trong suốt 10 ngày nghiên cứu.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức trước khi các ca cấy ghép khác loài trở nên phổ biến. Bệnh nhân ghép cơ quan của heo không sống được lâu sau khi ghép, mặc dù nguyên nhân tử vong không liên quan đến cơ quan được cấy ghép. Nghiên cứu cho thấy quá trình đào thải ở người ghép tạng từ động vật cao hơn rất nhiều so với từ người hiến tặng, vì vậy các nhà khoa học vẫn đang phải vượt qua nhiều trở ngại.
Xét nghiệm máu phát hiện bệnh Alzheimer
Các nhà khoa học Thụy Điển đã phát triển thành công PrecivityAD2, một xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi với độ chính xác khoảng 90%, giúp mở rộng khả năng tiếp cận và đẩy nhanh chẩn đoán, cho phép người bệnh bắt đầu điều trị sớm hơn. Tuy nhiên, FDA vẫn chưa phê duyệt xét nghiệm này, và hiện chưa được bảo hiểm chi trả.
Một mũi tiêm ngừa cả COVID-19 và cúm
Vắc xin kết hợp bảo vệ chống lại cả COVID-19 và cúm có thể được ra mắt vào năm 2025. Các thử nghiệm cho thấy vắc xin RNA kết hợp này của Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn so với từng loại riêng lẻ.
Năm nay cũng ghi nhận những tiến bộ trong cách chẩn đoán hai bệnh này, vốn do các loại virus khác nhau gây ra nhưng có triệu chứng trùng lặp. Vào tháng 10, FDA đã cấp phép cho một loại xét nghiệm nhanh không cần kê đơn, có thể phát hiện cả COVID-19 và cúm.
Tìm hiểu lý do phụ nữ dễ mắc bệnh tự miễn hơn
Bệnh tự miễn, như lupus và viêm khớp dạng thấp, thường xảy ra ở phụ nữ - chiếm hơn 78% tổng số trường hợp mắc. Năm nay, các nhà khoa học phát hiện rằng một cơ chế lỗi trong việc tắt một trong hai nhiễm sắc thể X của phụ nữ có thể là nguyên nhân.
Thuốc giảm nguy cơ dị ứng đậu phộng
FDA đã phê duyệt omalizumab, một loại thuốc giúp giảm nguy cơ phản ứng dị ứng với đậu phộng và các loại thực phẩm khác ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn thực phẩm gây dị ứng, và các triệu chứng có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.
Dưới tên thương hiệu Xolair, loại thuốc này đã được sử dụng từ năm 2003 để điều trị bệnh hen suyễn dị ứng từ trung bình đến nặng ở người lớn và thanh thiếu niên.
Nghiên cứu mới được công bố trong năm nay cho thấy omalizumab cũng có thể giảm đáng kể nguy cơ dị ứng thực phẩm với đậu phộng và các loại thực phẩm khác sau khoảng bốn tháng điều trị.
Tuy nhiên, loại thuốc này, được tiêm mỗi hai hoặc bốn tuần, không chữa khỏi dị ứng thực phẩm, và bệnh nhân vẫn phải tránh các thực phẩm có chứa chất gây dị ứng./.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/7-dot-pha-y-hoc-mang-lai-hy-vong-trong-nam-2024-20241206121917176.htm