Tiếng Việt | English

27/02/2019 - 23:10

5G sẽ “cất cánh” trong năm 2019?

Năm 2019, Việt Nam sẽ triển khai thử nghiệm mạng 5G và trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này.

Công nghệ 5G không chỉ đơn giản khiến tốc độ điện thoại nhanh hơn mà nó còn định hình mọi loại công nghệ mà nó chạm vào.

Nếu nhìn vào góc độ phát triển hạ tầng mạng đối với kết nối điện thoại với mạng di động. Thế hệ càng cao (G càng cao), kết nối càng nhanh. Nếu 1G chỉ dành cho cuộc gọi thoại, 2G để gửi tin nhắn, 3G giúp truyền dữ liệu và internet, thì 4G/LTE giúp đẩy nhanh tốc độ hơn 3G rất nhiều.

Tuy nhiên, tất cả điều này sẽ trở thành quá khứ đối với 5G.

Mạng 5G là nền tảng cho mọi công nghệ mới đột phá. (Ảnh: Continental AG)
5G không chỉ đẩy nhanh tốc độ (gấp 100-250 lần so với 4G), đáng tin cậy hơn mà còn là bước đột phá lớn khi tất cả các thiết bị Internet of Things (IoT) được kết nối với nhau.

5G sẽ cách mạng hóa tương lai

Mạng 5G ra đời được đánh giá sẽ thay đổi mọi thứ ở kết nối không dây. Nhờ khả năng giảm thiểu độ trễ truyền dữ liệu, 5G có thể cung cấp năng lượng để phát triển ngành công nghiệp robot.

Các cuộc phẫu thuật có thể được thực hiện từ khoảng cách rất xa, với robot được điều khiển trong thời gian thực bởi các chuyên gia phẫu thuật, nhằm cứu sống bệnh nhân trong những tình huống mà thời gian và khoảng cách là sự khác biệt giữa sống và chết.
Các cường quốc trên thế giới cũng như những công ty, tập đoàn đa quốc gia đã chi hàng tỷ USD để thiết lập mạng lưới 5G của họ và tài trợ cho các công nghệ mới có thể sử dụng 5G.

Nhà ga Hongqiao ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc là nhà ga đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G. (Ảnh: China Expat)
Cách đây vài ngày, nhà ga Hongqiao ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã khai trương hệ thống 5G trong nhà đầu tiên trên thế giới. Việc triển khai nhằm đạt được vùng phủ 5G  trong toàn bộ nhà ga này vào cuối năm nay, cho phép tất cả hành khách truy cập các dịch vụ mạng 5G dễ dàng, nhanh chóng.

Đây được xem là bước tiến lớn trong việc đưa mạng 5G vào thương mại hóa ở quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2020.

Ước tính mỗi ngày có đến 300.000 hành khách qua lại nhà ga Hongqiao. Do mật độ truy cập dữ liệu Internet cao nên khiến việc tải các video trực tuyến ở nhà ga này thường chậm chạp khi dùng mạng 4G. Nhưng với việc triển khai mạng 5G, người dùng có thể tải một bộ phim với độ phân giải cao 2GB với tốc độ chưa đầy 20 giây.

Việt Nam bắt nhịp dòng phát triển 5G của thế giới

Cùng với xu thế, Việt Nam cũng đặt việc phát triển mạng viễn thông thế hệ mới là nhiệm vụ trọng tâm. Ngay trong quý 1/2019, mạng 5G sẽ sớm được thử nghiệm, trước hết ở TPHCM và Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hạ tầng viễn thông không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc, mà là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật.

"Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới, chúng ta sẽ không chậm chân 8 năm, 10 năm như là đối với 3G và 4G nữa. Thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 phải về thứ hạng 30 đến 50", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Việt Nam thử nghiệm mạng 5G ngay trong quý 1/2019. (Ảnh minh họa: KT)
Nhìn lại quá khứ, Việt Nam đều chậm hơn từ 8 - 10 năm so với thế giới khi triển khai mạng 3G và 4G. Do đó, việc Việt Nam quyết tâm triển khai mạng 5G sớm có thể coi là một bước tiến lớn.

Ba nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam gồm Viettel, MobiFone, VNPT cho biết đã sẵn sàng thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019 và hiện Viettel đã nhận được giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, 5G cũng không phải là hoàn hảo. Để đạt được tốc độ nhanh, 5G phải sử dụng bước sóng ngắn hơn và tần số cao hơn, khiến nó không đi được quá xa.

Nếu mạng 4G có thể bắt sóng trong vòng 10km, hầu như không mất tín hiệu, thì 5G chỉ đạt tốc độ tối đa trong khoảng 300m và thậm chí không thể xuyên qua tường hoặc mưa to. Để giải quyết vấn đề, các nhà mạng buộc phải gia tăng số lượng các cột phát sóng.

Theo thống kê của Qualcomm (Mỹ), trên thế giới hiện có trên 18 mạng 5G đã triển khai với hơn 20 nhà cung cấp các thiết bị khác nhau. Hiện cũng có 134 mạng thử nghiệm 5G tại 62 nước trên thế giới. Năm 2019, thế giới sẽ chính thức thông qua chuẩn 5G tại hội nghị vô tuyến quốc tế của ITU-A.

Công nghệ 5G với tốc độ dữ liệu nhanh gấp nhiều lần 4G hiện tại và độ trễ cực thấp là một xu hướng tất yếu, nhất là khi Chính phủ đang muốn đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số và các mô hình đô thị thông minh. Điều này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp công nghệ mới./.

Vân Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết