Trong chuyến công du này, ông Biden sẽ thăm hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Mục đích chính là thu hút các nước này vào một liên minh an ninh và kinh tế lâu dài để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Chuyến công du châu Á của ông Biden sẽ có nhiều thách thức lớn. Ảnh: The New York Times
Theo Politico, Tổng thống Biden sẽ tận dụng chuyến thăm 4 ngày, bắt đầu từ hôm nay (20/5) để kêu gọi sự ủng hộ cho Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương – một kế hoạch thương mại trong khu vực mà ông sẽ khởi động tại Nhật Bản. Chuyến thăm này diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN – Mỹ vào tuần trước, nơi ông Biden có cuộc gặp với nhiều nhà lãnh đạo Đông Nam Á.
“Thông điệp mà chúng tôi cố gắng gửi đi trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Biden là một tầm nhìn cho thấy thế giới sẽ như thế nào nếu các nền dân chủ và xã hội hợp tác với nhau để định hình các quy tắc trên con đường xác định kiến trúc an ninh khu vực, để củng cố các liên minh lịch sử mạnh mẽ. Chúng tôi nghĩ rằng thông điệp đó sẽ được nghe thấy ở khắp mọi nơi và cả ở Bắc Kinh”, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết.
Quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc
Một kế hoạch quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Biden là thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng kế hoạch này có vẻ “nói dễ hơn làm”, bởi những tranh chấp về lãnh thổ, thương mại và tranh cãi lịch sử đã khiến quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc leo thang căng thẳng trong những năm gần đây.
Việc Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách đối tác thương mại “đáng tin cậy” vào năm 2019 đã khiến Seoul tức giận. Ở thời điểm đó, Phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Kim Hyun-chong cáo buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh đồng Hàn Quốc như một “quốc gia thù địch”. Dù hiện giờ cả hai nhân vật này không còn đương chức nhưng mâu thuẫn giữa hai nước vẫn chưa thể giải quyết được.
Ông Biden cần thuyết phục tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol - người vừa nhậm chức ngày 10/5 và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida rằng, mối quan hệ căng thẳng giữa 2 nước sẽ làm suy yếu chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
“Tổng thống Biden sẽ có cơ hội để nhận ra rằng cái gọi là các vấn đề tranh cãi lịch sử trong khu vực đã trở thành mối đe dọa an ninh”, ông Alexis Dudden, giáo sư lịch sử tại Đại học Connecticut nhận định.
Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã cam kết sẽ cải thiện quan hệ. Nhưng điều này chắc chắn không thể thực hiện trong thời gian “một sớm một chiều”. Trả lời phỏng vấn Politico, ông Bill Hagerty – cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cho biết: “Tôi không quá lạc quan bởi vì tôi đã theo dõi mối quan hệ này trong nhiều thập kỷ. Khi các vấn đề nội bộ của mỗi nước trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là về mặt chính trị, những căng thẳng này thường dễ bị khơi lại”.
Đối phó mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhiều khả năng sẽ hối thúc ông Biden triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc – điều mà Washington luôn chối từ cho đến thời điểm hiện tại. “Chính sách của Mỹ không hỗ trợ điều đó”, ông Mark Lambert, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Hàn Quốc và Nhật Bản nêu rõ.
Mỹ đã từng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên Bán đảo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ trước khi rút toàn bộ vào năm 1991, như một cách nhằm thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Kể từ thời điểm đó, Mỹ đã dựa vào lực lượng tàu ngầm hạt nhân của nước này như một biện pháp răn đe chống lại bất cứ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Triều Tiên.
Tuy vậy, việc Bình Nhưỡng tiến hành thử 14 tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân từ đầu năm đến nay có thể khiến Mỹ suy nghĩ lại đề xuất của Hàn Quốc. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Trung tướng Scott Berrier cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thêm các vụ thử vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân trong thời gian tới. Tháng 4 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của lực lượng Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân hoặc thậm chí tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nếu bị nước này đe dọa.
Theo giới phân tích, ông Biden nhiều khả năng sẽ không tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên Bán đảo Triều Tiên, trừ khi mối đe dọa từ Bình Nhưỡng gia tăng. Thay vào đó, ông có thể tìm cách giảm bớt mối lo ngại của Tổng thống Yoon Suk Yeol bằng cách chấp thuận yêu cầu của ông về bổ sung cho Hàn Quốc Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống chống tên lửa để chống lại mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bình Nhưỡng và Bắc Kinh tức giận.
Một cuộc tập trận chung của nhóm Bộ Tứ năm 2021. Ảnh: Reuters
Thúc đẩy kế hoạch của Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ
Trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Biden dự kiến sẽ có cuộc họp với các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ - một liên minh không chính thức gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Trước đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, ông sẽ "tích cực xem xét" việc gia nhập Bộ Tứ nếu Hàn Quốc được mời. Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon đã cam kết tăng cường sự tham gia của Hàn Quốc trong các nhóm làm việc của Bộ Tứ.
Sự tham gia của Hàn Quốc sẽ thúc đẩy mục tiêu của Tổng thống Biden nhằm kéo Tokyo và Seoul xích lại gần nhau hơn. Ông James Kelly, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì thế, việc Hàn Quốc tham gia vào Bộ Tứ sẽ giúp ích cho quá trình này. Họ có thể được mời để trở thành một phần trong các nhóm làm việc của Bộ Tứ hoặc là quan sát viên. Có rất nhiều cách thức để làm điều đó”.
Tăng cường vai trò của Ấn Độ trong Bộ Tứ
Mỹ đang tìm cách củng cố quan hệ với Ấn Độ, coi đây là một trong 10 nỗ lực cốt lõi của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhận định: “Cả Mỹ và châu Âu đều có mong muốn gắn kết chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Xét trên nhiều khía cạnh, chúng tôi sẽ đạt được những lợi ích tốt nhất khi đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ, nhằm khiến nước này xoay chuyển quỹ đạo nhiều hơn về phương Tây”.
Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn bởi Ấn Độ có mối quan hệ quốc phòng, thương mại và ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ với Nga. Chưa kể, Moscow cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của New Delhi. Cho đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn tránh lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine dù các thành viên khác của nhóm Bộ Tứ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Alison Szalwinski, phó chủ tịch nghiên cứu tại Cục Nghiên cứu Châu Á nhận xét rằng: “Điều đó khiến Ấn Độ trở thành ngoại lệ. Lập trường của nước này có thể gây xích mích trong nhóm Bộ Tứ”. Nhưng chính quyền Tổng thống Biden dường như không quá lo lắng. Bloomberg ngày 18/5 cho biết, hiện chính quyền Biden đang tìm cách thay thế ảnh hưởng đó của Nga bằng cách đề xuất thương vụ bán vũ khí lớn với Ấn Độ, có giá trị lên tới 500 triệu USD.
Lợi thế đối với Mỹ nằm ở chỗ quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc thời gian qua đã trở nên xấu đi nghiêm trọng sau cuộc xung đột biên giới tại Thung lũng Galwan vào năm 2020.
Quảng bá Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong tuần này xác nhận rằng, Tổng thống Biden sẽ chính thức khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) – một sáng kiến thương mại lớn trong khu vực khi tới thăm Tokyo. Phát biểu với báo chí, bà Gina Raimondo cho biết: “Tôi đã dành nhiều thời gian trò chuyện với các đối tác của chúng tôi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Họ đều mong muốn Mỹ có sự hiện diện lớn hơn và một chiến lược kinh tế rõ ràng. IPEF là minh chứng cho điều đó.
IPEF sẽ tập trung vào bốn trụ cột chính: tạo thuận lợi thương mại, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thiết lập cơ sở hạ tầng và quá trình giảm phát thải cacbon, cải thiện hệ thống thuế và chống tham nhũng. Thông qua khuôn khổ này, Washington đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích cho người dân trong khu vực.
Tuy vậy, thỏa thuận không cung cấp những đặc quyền truyền thống, chẳng hạn như khả năng tiếp cận thị trường và không rõ liệu có bao gồm các cơ chế thực thi cần thiết để mang lại hiệu quả hay không. Ông Biden sẽ cần phải xác định rõ những lợi ích mà IPEF mang lại để thuyết phục những người tham gia tiềm năng về giá trị của nó.
Kể từ tháng 11/2021, các thành viên trong nội các của Tổng thống Biden đã đi khắp khu vực để tìm kiếm sự ủng hộ cho việc đàm phán. Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand dự kiến sẽ tham gia vào đợt đàm phán ban đầu. Và Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Ted Osius cho biết, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Singapore, Malaysia và Philippines có khả năng sẽ tham gia đàm phán.
Giới phân tích cho rằng, nếu ông Biden có thể trở lại Washington mang theo cam kết của Tổng thống Hàn Quốc về việc tham gia Bộ Tứ và có được sự quan tâm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia về tư cách thành viên của IPEF, thì ông có thể tuyên bố thắng lợi trong việc tạo ra một nền tảng mới trong khu vực do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow./.
Hồng Anh/VOV.VN