Tiếng Việt | English

16/11/2015 - 06:03

5 siêu vũ khí thế hệ mới Mỹ âm thầm chế tạo

Mỹ được xem là "cái rốn vũ khí". Hiện nước này đang âm thầm chế tạo 5 loại vũ khí thế hệ mới.

 Từ lâu, Mỹ được xem “ cái rốn vũ khí” của nhân loại nhưng Nga và Trung Quốc cũng không vừa, vì vậy nếu không tiến hóa Mỹ sẽ tụt hậu. Điều này buộc Lầu Năm Góc phải đổ thêm tiền, cho ra đời những thế hệ vũ khí siêu hiện đại, trong đó có 5 vũ khí thế hệ mới dưới đây hiện đang được Mỹ âm thầm chế tạo.

1. LRS-B

LRS-B (Long Range Strike Bomber), máy bay ném bom tầm xa, siêu vũ khí được trang tin Nationalinterest của Mỹ xếp đầu bảng, hiện đang được tập đoàn Northrop Grumman thắng thầu thiết kế, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 55 tỷ USD.

Tiến độ dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong thập kỷ 2 của thế kỷ 21, đối trọng nặng ký với các loại vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Cũng theo Nationalinterest thì đây cũng là vũ khí nhằm duy trì thế mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương và trên toàn thế giới trong tương lai. LRS-B có khả năng bay ở khoảng cách cực xa, âm thầm thâm nhập và sào huyệt của đối phương và dội bom trước khi bị phát hiện.

Không giống thế hệ máy bay ném bom tàng hình khác đã từng được Mỹ sản xuất, LRS-B là một phần của hệ thống khí tài cực kỳ phức tạp. Các cụm thiết bị tình báo, do thám, các sàn thao tác điện tử, tên lửa hành trình và những hệ thống khác được tích hợp, trang bị đồng hành cùng máy bay khi nó thâm nhập vào không phận đối phương.

Ngoài ra, LRS-B có thiết kế đa dạng mang tính lựa chọn, cả bản thể có người lái lẫn điều khiển từ xa.

Theo Northrop Grumman, việc ra đời LRS-B là rất cần thiết cho không quân Mỹ trong tương lai bởi các loại máy bay ném bom của Không quân Mỹ hiện đã lão hóa.

Ví dụ, B-52 có tuổi thọ 54 năm, B-1B có tuổi thọ 30 năm, còn 20 máy bay B-2 cũng có tuổi thọ tới 18 năm. Trong số này chỉ có B-2 đáp ứng nhu cầu tham chiến hiện tại trong khi đó các nước khác cũng đã phát triển thành công nhiều chiến lược phòng thủ tiên tiến để đối phó với ưu lực không quân của Mỹ.

2. F-X

F-X là thế hệ máy bay chiến đấu mới hiện đang được Mỹ đầu tư để thay cho hai dòng máy bay chiến đấu F-22 Raptor và F-15C Eagle đã lạc hậu. Tiêm kích F-X được xem là dòng con lai tích hợp nhiều tính năng vượt trội của hai dòng máy bay nói trên. Từ lâu, F-22 Raptor luôn được xem là “anh cả” trong gia đình tiêm kích, nhưng đến nay nó đã có thâm niên trên dưới 10 năm phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ.

Nghe đồn Không quân Mỹ hiện đang có kế hoạch nâng cấp phi đội gồm 186 chiếc Raptor, nhất là thay cho những chiếc đã gần hết tuổi thọ tại căn cứ không quân Tyndall AFB ở Florida. Ngoài ra không quân Mỹ chưa bao giờ có đủ tiêm kích dòng Raptors thay cho các máy bay Boeing F-15C Eagle nên đến nay loại máy này hầu như đã quá tải, cần thay thế gấp.

Thiết kế chính xác của F-X chưa được công bố nhưng nghe đồn không quân Mỹ muốn có sản phẩm tinh nhuệ để thỏa mãn nhu cầu tác chiến trên không sau năm 2030. Phương án lựa chọn có thể kết hợp giữa mô hình không người lái và có lái thành phiên bản lai đa năng, giúp cho không quân có thể phối hợp cùng hải quân, giúp Mỹ có thể sẽ làm chủ bầu trời vào cuối thế kỷ 21 này một khi dòng máy bay nói trên ra đời.

3. F/A-XX

F/A-XX là một trong những hạng mục nằm trong chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới của Hải quân Mỹ đang triển khai, nhằm thay cho dòng máy bay F/A-18E/F Super Hornet vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21.

Chương trình trên hiện đang được khởi động, hợp tác giữa hải quân với không Mỹ, đồng thời để thay cho hai dòng máy bay Raptor và F-15C của không quân. Và cũng giống như không quân, Hải quân Mỹ nuôi tham vọng cho ra đời dòng máy bay máy bay lai kết hợp, tức có lái lẫn không lái, được tích hợp hệ thống vũ khí hiện đại đi kèm.

Cho đến nay người ta vẫn chưa quyết hình dạng cấu trúc của F/A-XX, nhưng theo giới thạo tin thì F/A-XX có thể là dòng khí tài ít đi theo theo hướng tấn công so với dòng tiêm kích F-X của không quân.

Ngay từ bây giờ Hải quân Mỹ đang tập trung vào dòng máy bay đa nhiệm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự ở Viện Hudson thì rất có thể hải quân sẽ tập trung vào các dòng máy bay không đối không để đối phó tình huống đe dọa của máy bay J-20 của Trung Quốc.

Với mục tiêu này, rất có thể F/A-XX sẽ được hộ tống bởi máy bay chiến đấu không người lái thế hệ hai của hải quân. Tuy nhiên đây mới chỉ là phỏng đoán bởi còn nhiều thông tin hiện vẫn đang được bảo mật.

4. SSN (X)

SSN(X) nói về dự án sản xuất tàu ngầm thế hệ mới của Mỹ. Đến nay các loại tàu ngầm lớp Seawolf và Virginia của hải quân vẫn là những khí tài tin cậy nhất. Tuy nhiên, hải quân Mỹ cũng đang bắt tay vào chuẩn bị cho tương lai khi các tàu ngầm thế hệ mới của Nga, Trung Quốc ra đời và đang rập rình dưới biển.

Kế hoạch sản xuất tàu ngầm mới chính thức được khởi động từ năm 2014 nhưng phải chờ bổ xung thêm những “ý kiến đóng góp” sau hội nghị thường niên của Liên đoàn Tàu ngầm Hải quân Mỹ dự kiến tổ chức vào cuối năm 2015 này.

Tạp chí Seapower Magazine vừa trích dẫn lời George Drakeley, người đứng đầu Hệ thống khí tài thủy của hải quân, kiêm Giám đốc điều hành Chương trình tàu ngầm PEO, thì dự án sản xuất tàu ngầm thế hệ mới SSN(X) hiện đang trong giai đoạn phân tích các phương án tối ưu. Công việc chế tạo sẽ bắt đầu vào năm 2034 và sau khi hoàn thành SSN(X) sẽ là tàu ngầm đầu bảng nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, trong đó có các bộ cảm biến off-board thế hệ mới cực kỳ hiện đại.

5. FSC

Chiến hạm tương lai hay FSC (Future Surface Combatant) là tàu khu trục thế hệ mới hiện đang được Hải quân Mỹ lên kế hoạch chế tạo để thay cho tàu khu trục đã quá già DDG-51.

Theo nguồn tin của hải quân Mỹ, họ đang tìm kiếm một mẫu chiến hạm FSC để đưa vào khai thác sau năm 2030.

Thế hệ chiến hạm mới này tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như laser, súng điện từ và hệ thống cung cấp năng lượng tiên tiến.

Các bản thể cải tiến mới nói trên thực sự cần thiết để giúp Hải quân Mỹ bắt kịp xu thế chiến tranh hiện đại, nhất là trong bối cảnh an ninh hàng hải sôi động như hiện nay, đặc biệt là sự ra đời các hệ thống vũ khí chính xác cao, trở thành mối đe dọa đối với tàu sân bay.

Các loại khí tài như laser, súng điện từ có thể giúp giảm chi phí tính theo đơn vị đạn bắn đi.

Ví dụ, thay vì sử dụng một quả tên lửa đánh chặn SM-3 giá 10 triệu $ mới hạ được một tên lửa đạn đạo chống hạm 2 triệu $, thì nay một viên đạn bắn đi từ súng điện từ chỉ mất vài ngàn đôla mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”.

dantri.com.vn (Theo Đất Việt)

Chia sẻ bài viết