Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020, phương hướng , nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo của Bộ GD-ĐT, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà tiếp tục được nâng lên.
Thống kê từ năm 2015 đến nay, học sinh Việt Nam đã đạt tổng số 212 huy chương, bằng khen tại các kỳ Olympic quốc tế và khu vực, trong đó có 66 Huy chương Vàng. Đặc biệt, kết quả qua từng năm đều có bước tiến bộ vượt bậc, nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi. Sự cải thiện đáng kể ở phần thi thực hành cũng là điểm sáng của học sinh Việt Nam tại các đấu trường quốc tế.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 61 năm 2020.
Trong kỳ đánh giá PISA 2018 (công bố vào năm 2019), Việt Nam đạt 543 điểm Khoa học, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 4 bậc so với năm 2015; đạt 505 điểm đọc hiểu, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với năm 2015. Kết quả đạt được của Việt Nam đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Khảo sát Pasec 10 đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 2 và lớp 5 trong lĩnh vực Toán và Tiếng Việt cũng cho thấy những kết quả đáng ghi nhận đối với học sinh Việt Nam cả về sự tiến bộ của học sinh trong một năm học, kiến thức và kỹ năng, các yếu tố của chất lượng giáo dục tiểu học và các kết quả khác.
Giáo dục phổ thông mũi nhọn tiếp tục giữ vững thành tích đáng tự hào trên đấu trường quốc tế. Mặc dù xảy ra dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu nhưng học sinh Việt Nam vẫn nỗ lực tham gia các kỳ thi lớn của quốc tế và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Trong đó, đội tuyển quốc gia môn Hóa học đạt thành tích xuất sắc nhất từ trước đến nay với 4/4 thí sinh đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, sau đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ. Đội tuyển Toán học có 6/6 học sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó lần đầu tiên có một học sinh lớp 10 tham dự đội tuyển giành Huy chương Vàng và đứng thứ 4 thế giới.
Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt. Lần đầu tiên 03 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 08 trường đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu Châu Á (10 năm trước đây chúng ta chưa từng có trường nào đạt được). Mới đây nhất, Việt Nam có 02 đại học nằm trong tốp 101-150 Bảng xếp hạng thế giới các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới của Tổ chức xếp hạng đại học QS. Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng” và cũng là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam.
Số lượng các công trình công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam liên tục tăng, tăng hơn 10 lần so với năm 2013. Năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn./.
Theo VOV.VN