Tiếng Việt | English

02/02/2016 - 15:24

3 ngày tết

Đã có ý kiến đặt ra, có nên bỏ tết âm lịch, ăn tết dương lịch hay không? Từ nhiều góc nhìn, ai cũng có cái lý của mình, riêng người viết thì không nghĩ như vậy.


Ảnh minh họa: internet

Không như phương Tây, người ta dùng cụm từ "đón tết" thì người Việt ta dùng cụm từ "ăn tết". Ăn tết của ta bao hàm nhiều ý nghĩa, không phải chỉ ăn uống trong 3 ngày tết mà bao hàm nhiều vấn đề thuộc về nhân cách, tâm linh và xã hội tính.

Bởi sự vui chơi trong những ngày tết không đơn thuần là sự hưởng thụ như người phương Tây mà còn có đối nhân xử thế, tưởng nhớ ân phước của trời đất, ông bà tổ tiên đã khuất, thể hiện tình cảm với cha mẹ còn sống cùng người thân. 3 ngày tết không hẳn có tính xác định cụ thể một con số nhất định mà đây cũng là một thuật ngữ dân gian bao quát một số ngày vui tết tùy vào điều kiện của từng người.

Cuộc mưu sinh làm cho con người ta quần quật cả năm, trong 3 ngày tết họ bỏ hết mọi công việc, buồn phiền để luôn miệng chúc tụng may mắn với mọi người, tâm tình cởi mở, lòng dạ vị tha, rộng rãi tiền bạc...

3 ngày tết với những dấu hiệu về không gian, thời gian khiến cho con người hơn bao giờ hết trong 365 ngày, luôn có sự vui tươi và niềm tin lớn trong cuộc sống với những hứa hẹn, hoài mong những thuận lợi cùng mơ tưởng nhiều hạnh phúc, nên ai ai trên cửa miệng cũng giòn giã những lời chúc tụng về sức khỏe, tài lộc, phú quý, cơ may, thành đạt trong năm mới,…

Ăn tết còn là dịp để người ta tưởng nhớ công ơn tổ tiên, chăm sóc lại mồ mả ông bà, bàn thờ gia tiên, nơi cúng giỗ, để cùng sum họp thân nhân, thăm nom, phụng dưỡng người cao tuổi...

Những người làm ăn khá giả, thành đạt, nhân 3 ngày tết giúp đỡ người khó khăn, bất hạnh,...

3 ngày tết, họp mặt không chỉ để ăn uống mà còn chấn chỉnh lại nền nếp gia phong, duy trì lễ giáo, trùng tu từ đường,...

3 ngày tết còn là dịp để các nhà từ thiện, những tấm lòng nhân ái hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước hướng về cộng đồng với tấm lòng chia sẻ, làm sao để mọi người, nhất là gia đình chính sách, người nghèo… đều có tết.

Những biểu hiện vui chơi và thụ hưởng, cống hiến và chia sẻ trong môi trường lễ giáo và có trách nhiệm trong cả 2 bình diện gia đình và xã hội như vậy trong 3 ngày tết mới đích thực là ăn tết theo kiểu truyền thống của người Việt Nam.

Ở bình diện khác, ăn tết ở ta còn lắm điều thú vị. Cuộc sống không phải ai cũng gặp thuận lợi, suôn sẻ nên lắm người khổ sở vì tết, bởi hết năm, hết tháng mà vẫn phải chạy ngược chạy xuôi, vay chỗ này, đắp chỗ nọ cốt chỉ để đến giao thừa cho yên tâm mà lo 3 ngày tết.

Nhiều người mất khả năng chi trả, phải liều trốn nợ không dám gặp mặt ai nhưng gì thì gì, đến giao thừa cũng về nhà đóng cửa lại thu dọn, đón tết mà cảm thấy yên trí vô cùng vì chí ít cũng không bị ai làm phiền trong 3 ngày này.

Cũng thật buồn cười và không kém phần thú vị là vừa mới chiều 30, người ta còn cự cãi, thậm chí mắng như tát nước vào mặt nhau, vậy mà sáng mồng 1 bỏ qua mọi chuyện, chúc tụng nhau rôm rả.

Với anh em, bà con họ hàng, có giận hờn hay những chuyện không vừa lòng khác nhưng đến hết ngày 30 thì đều bỏ qua. Tệ lắm thì những chuyện buộc phải giải quyết thỏa đáng chỉ có thể là sau 3 ngày tết, khi cuộc sống trở lại bình thường thì mới đặt lại vấn đề.

Có những đứa con hư đi lang bạt quanh năm suốt tháng nhưng đến đêm 30 tết thì cũng tìm về nhà; bình thường, gia đình buồn giận không muốn thấy mặt, nhưng trong 3 ngày tết thì có sự bao dung kỳ lạ: Thôi kệ, để nó ăn tết rồi tính.

Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, người tài cao, học rộng hay người chẳng biết một thứ gì, ai cũng cảm thấy mình như vứt bỏ một chuỗi ngày cũ kỹ đi để bắt đầu những chuỗi ngày mới với biết bao hy vọng; nén bỏ đi những buồn phiền để không làm ảnh hưởng đến người khác, giấu kín những đau khổ, không để gương mặt “đưa đám” làm mất niềm vui của người khác trong 3 ngày tết.

Rõ ràng, không có ngày nào giờ nào khác trong năm lại có năng lực ghê gớm khiến mọi người phải như vậy. Phải chăng có sự ảnh hưởng của kiêng cử? Hỏi tại sao thì chẳng ai biết rõ và cũng không ai cần biết rõ mà chỉ biết rằng thế mới là ăn tết, bởi tết rất thiêng liêng và như thế mới là ứng xử văn minh trong 3 ngày tết.

Có rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cổ kim mất công lý giải nhưng người Việt Nam đã ăn tết, vẫn ăn tết và sẽ còn mãi mãi ăn tết bởi đó không chỉ là một cái thú mà trời đất dành riêng cho con người biết thưởng thức cái giờ phút đẹp nhất của vũ trụ trong một năm, mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam./.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết