Do diện tích chật hẹp nên nhiều CLB bóng bàn ở TP.HCM khó có thể lắp đặt tấm chắn theo dự thảo thông tư quy định. Ảnh: T.P
Theo dự thảo 13 thông tư nói trên đang được đăng tải trên website của Bộ VH-TT&DL, bộ yêu cầu Tổng cục TDTT, hiệp hội, liên đoàn thể thao quốc gia là đơn vị được tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn (HLV), nhân viên cứu hộ. Quy định này đã gây ý kiến trái chiều bởi từ trước đến nay các địa phương vẫn có quyền làm việc này.
Những điều kiện bất khả thi
Xung quanh dự thảo thông tư về bóng bàn, tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM Từ Nhân Luân cho biết: “Ở khoản 8 điều 3 quy định phải có “tấm chắn bóng quanh khuôn viên đặt bàn cao 75cm” là bất khả thi với hầu hết CLB bóng bàn tại TP.HCM. Tấm chắn buộc phải có trong thi đấu và tác dụng chính chỉ là phân khu vực, hạn chế VĐV phải đi nhặt bóng xa... chứ không có tác dụng gì đối với vấn đề an toàn cho người chơi. Trong khi đó tại TP.HCM, do diện tích chật hẹp nên các CLB không đủ điều kiện để đặt tấm chắn. Nếu quy định này được ban hành, tôi tin cả TP.HCM có rất ít CLB trong tổng số hàng trăm CLB được phép hoạt động”.
Đại diện một sở VH-TT phía Bắc cho biết dự thảo thông tư quy định điều kiện tập luyện, thi đấu của môn bơi - lặn lại là sự tụt lùi so với thông tư đã ban hành năm 2011 do: “Nếu đọc thông tư năm 2011 sẽ thấy quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn nước trong hồ bơi như: độ trong, độ màu, hàm lượng chất vẩn đục, độ pH, clorua, amoniac... Nhưng các quy định này ở thông tư mới đang xây dựng lại không có chi tiết mà chỉ ghi chung chung là “đáp ứng mức giới hạn chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt thông thường”. Như thế nào là thông thường? Phải quy định rõ bởi nước có an toàn hay không rất quan trọng với sức khỏe của người đi bơi. Thông tư cũ quy định bể bơi có cả phòng y tế, nhân viên y tế, còn thông tư mới thì không hề có”.
Tổng cục TDTT chỉ cần xây dựng quy chuẩn
để địa phương thực hiện
Nhiều đại diện các địa phương cho biết họ băn khoăn nhất với điều 5 của dự thảo các thông tư: “Tổng cục TDTT, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn (HLV), nhân viên cứu hộ. Nội dung, chương trình, thời gian tập huấn do Tổng cục TDTT quyết định. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn do cơ quan tổ chức tập huấn cấp có giá trị 5 năm. Trong khi đó, từ trước đến nay các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao nhiều tỉnh thành đều được làm việc này. Giờ giao hết về cho Tổng cục TDTT và các liên đoàn quốc gia thì liệu với nhân lực và năng lực hiện nay họ có thể làm nổi?”.
Dù ủng hộ việc HLV, cứu hộ viên cần được tập huấn chuyên môn và được cấp chứng chỉ nhưng theo ông Trương Đức Ngọc (trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu): “Tổng cục TDTT và Hiệp hội Thể thao dưới nước VN không nên “ôm” việc mở lớp đào tạo này do khối lượng công việc khổng lồ và tốn kém. Chỉ riêng TP.HCM đã có hàng ngàn HLV, người hướng dẫn; cả nước có đến 63 tỉnh thành nên rất khó thực hiện. Thay vào đó, tổng cục chỉ cần xây dựng những quy chuẩn và đưa về các địa phương tự tổ chức giảng dạy, cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận đó được công nhận toàn quốc để HLV, người hướng dẫn thuận tiện khi hành nghề”.
Ông Từ Nhân Luân ủng hộ điều 5 khi cho biết: “Tôi ủng hộ bởi điều này hạn chế việc ai cũng có thể đứng ra làm HLV dạy bóng bàn, có thể dẫn đến sai kỹ thuật cho người chơi. Có những cựu tuyển thủ, cựu VĐV nổi tiếng sau khi giải nghệ đã chuyển sang dạy bóng bàn. Những đối tượng này có trình độ chuyên môn cao nhưng không phải ai cũng dạy được học viên, bởi khi trải qua các khóa huấn luyện, ngoài yếu tố chuyên môn, người hướng dẫn và HLV được cung cấp kiến thức cả về phương pháp sư phạm, chu kỳ huấn luyện, lứa tuổi 9-10 dạy thế nào và lớn hơn thì dạy cái gì, kỹ - chiến thuật ra sao... Tuy nhiên, quy định này cũng cần “mở” hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta có khoảng 30 HLV được bằng HLV cấp 1 của Liên đoàn Bóng bàn quốc tế (ITTF). Những HLV này nên được thừa nhận mà không cần học lại những khóa huấn luyện nói trên”.
Sẽ không cứng nhắc khi thực hiện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Đình Kháng, tổng thư ký Liên đoàn Thể hình VN và là trưởng bộ môn cử tạ - thể hình Tổng cục TDTT, cho rằng việc ban hành thông tư này là cần thiết bởi ở ngành nghề nào cũng cần có những quy chuẩn và trong thể thao cũng vậy. Các thông tư này là quy định về mặt quản lý nhà nước để kiểm soát nội dung đào tạo, trình độ HLV, tiêu chuẩn cơ sở vật chất các môn thể thao. Mọi thứ phải đạt tiêu chuẩn mới có thể hoạt động, giảng dạy được.
“Thông thường một năm chúng tôi chỉ tổ chức tập huấn chuyên môn hai lớp, một ở phía Nam và một ở phía Bắc dựa trên nhu cầu thực tế. Nhưng nếu nhu cầu tăng cao, liên đoàn có thể phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức lớp tập huấn hoặc ủy quyền cho họ làm. Quan trọng nhất là Nhà nước và các liên đoàn quốc gia phải kiểm soát được nội dung tập huấn và trình độ của HLV”, ông Kháng nói.
Ông Trần Đức Phấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cũng khẳng định: “Ngành thể thao sẽ không cứng nhắc trong thực hiện bởi Tổng cục TDTT, các liên đoàn thể thao quốc gia có thể phối hợp, ủy quyền, hoặc cử người đến các địa phương tổ chức tập huấn chuyên môn cho các địa phương”.
Thông tư không phải là “giấy phép con” Ông Trần Đức Phấn cho rằng không có chuyện thông tư này sẽ là “giấy phép con” để tiêu cực có thể nảy sinh. Ông Phấn nói: “Thông tư hướng dẫn điều kiện tập luyện, thi đấu là theo quy định của pháp luật, ngành thể thao phải thực hiện việc đó. Trên thế giới, các liên đoàn thể thao quốc tế cũng là nơi cấp chứng chỉ hành nghề cho các HLV. Như trong bóng đá, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng mở nhiều lớp đào tạo HLV và cấp bằng công nhận trình độ cho người tham gia khóa học. Ở VN, có một số môn có liên đoàn và một số môn không có nên Tổng cục TDTT phải đứng ra tổ chức tập huấn cho HLV, kỹ thuật viên. Điều kiện thi đấu, cơ sở vật chất tập luyện, giáo trình đào tạo cũng cần có những quy chuẩn nên việc kiểm soát là đương nhiên”. |
Khương Xuân - Tấn Phúc/tuoitre.vn