1. Tổ chức thành công hai kỳ họp Quốc hội theo hình thức trực tuyến và tập trung
Năm 2020 mặc dù có nhiều khó khăn do tình hình đại dịch COVID-19 gây ra trên toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội nhưng với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội Việt Nam đã chủ động, kịp thời đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng điều kiện hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tiến hành kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.
Kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV được tổ chức làm hai đợt theo hình thức họp trực tuyến và họp tập trung.
Lần đầu tiên, kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV được tổ chức làm hai đợt theo hình thức họp trực tuyến và họp tập trung. Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội. Thực tế cho thấy, việc tổ chức kỳ họp thành 02 đợt trực tuyến và tập trung có nhiều ưu điểm, phù hợp với đặc thù tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta. Kết quả bước đầu đáng trân trọng này đã tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới.
2. Hoàn thành chương trình lập pháp với các giải pháp nâng cao chất lượng lập pháp
Năm 2020, Quốc hội đã thông qua 17 luật với tỷ lệ đại biểu tán thành cao (trung bình là 92.50%), thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Đây là những dự án luật quan trọng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, liên quan đến các lĩnh vực của đời sống như kinh tế, xã hội; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đối ngoại; tổ chức bộ máy; phòng, chống tham nhũng; cư trú; đầu tư; bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua 17 luật với tỷ lệ đại biểu tán thành cao.
Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào 10 dự án luật trong đó có những dự án luật được các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đánh giá kỹ, đề nghị cơ quan trình phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để báo cáo với Quốc hội. Điều này cho thấy chất lượng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn; các dự án luật được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện hơn.
3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành chất vấn một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đó, Quốc hội không chọn người trả lời chất vấn cụ thể, cũng không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các đại biểu tiến hành chất vấn về những nội dung mình quan tâm, hướng tới việc làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những việc đã làm được cũng như chưa làm được trong cả nhiệm kỳ, thể hiện tinh thần Quốc hội giám sát đến cùng việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành.
Trong 2,5 ngày chất vấn đã có tổng cộng 121 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn; 41 lượt đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, 03 Phó Thủ tướng Chính phủ, 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Qua đó cho thấy, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã thực hiện nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội. Đồng thời tạo sự chuyển biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng; thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và Nhân dân quan tâm. Sau chất vấn, Quốc hội đã có Nghị quyết về chất vấn để chuyển lại cho Quốc hội khóa XV tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành đối với một số nội dung chưa thực hiện và cũng chấm dứt hiệu lực của 14 Nghị quyết chất vấn đã được thực hiện.
Trong năm 2020, Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây là vấn đề rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận cử tri và các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã ban hành nghị quyết để đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề liên quan, qua đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tăng cường việc phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm các điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước.
4. Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Nguyên tắc, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình là: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Phân cấp, trao quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh... Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, có tầm nhìn chiến lược và có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, nhân văn sâu sắc.
5. Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu
Ngày 08/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Hai Hiệp định này đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững, cho hòa bình, ổn định và phát triển.
6. Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị
Với tinh thần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị, nông thôn, sau khi thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (kỳ họp thứ 8 năm 2019) và Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng (kỳ họp thứ 9 năm 2020), tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, ở quận và phường thuộc thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức Hội đồng nhân dân; thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, là điều kiện cần thiết để thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
7. Khẳng định dấu ấn của Quốc hội Việt Nam trong năm Chủ tịch AIPA 2020
Đảm nhiệm Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 là điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ khóa XIV. Cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngay đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và khu vực, với cương vị là Chủ tịch AIPA 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi thư tới các Nghị viện thành viên để chia sẻ, cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ để vượt qua đại dịch, vừa bảo đảm sức khỏe cho người dân và vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã thể hiện ý chí, quyết tâm, sự linh hoạt và chủ động của Quốc hội Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại trong năm 2020. Với sự tham gia của gần 400 đại biểu từ các Nghị viện thành viên, Nghị viện quan sát viên, khách mời và đại biểu quốc tế trong đó có 11 Chủ tịch Quốc hội, 14 Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại hội đồng AIPA 41 đã đạt kỷ lục về cấp tham dự.
Các chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng được đánh giá là phù hợp; các nội dung trao đổi phong phú, sát với tình hình thực tiễn. Đặc biệt là về các biện pháp nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực. Điểm nhấn của Đại hội đồng AIPA 41 là việc tăng cường sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thành lập cơ chế mới trong AIPA đó là Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Đại hội đồng. Lần đầu tiên Đại hội đồng AIPA tổ chức họp theo hình thức trực tuyến nên công tác lễ tân, nghi lễ được áp dụng cho kỳ Đại hội đồng AIPA 41 khác với 40 kỳ Đại hội đồng AIPA trước đó. Điều này khẳng định sự thích ứng nhanh và trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của Quốc hội Việt Nam.
8. Thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia với 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật; phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập sớm hơn trước một kỳ họp để công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử quốc gia. Theo đó, Quốc hội quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Một trong những điểm mới của kỳ bầu cử tới là tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách được luật quy định tối thiểu 40%, tăng 5% so với các nhiệm kỳ trước.
9. Đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ và đồng thuận cao, đã có 145 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc các dự thảo được chuẩn bị công phu, chặt chẽ, thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc, có cách làm mới; kết cấu, bố cục bảo đảm khoa học, chặt chẽ, logic; từ ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; nội dung khái quát cao, thể hiện được vấn đề cốt lõi, mang tính thời đại, kết tinh trí tuệ tập thể, bảo đảm hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa tinh thần kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý, đề xuất nhiều giải pháp đột phá, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và kiến nghị thiết thực, thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện trong việc thảo luận, góp ý kiến. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội được Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao và đã tiếp thu nhiều nội dung để bổ sung, hoàn thiện các Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.
10. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quốc hội điện tử
Với tinh thần quyết liệt, chủ động và luôn đổi mới, sáng tạo, trong năm 2020, việc xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử tiếp tục có bước phát triển vững chắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức họp trực tuyến ở tất cả các cấp độ, từ các phiên họp, cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đến các kỳ họp Quốc hội và các cuộc họp trong khuôn khổ các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế.
Các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội liên tục được cải tiến, hoàn thiện; nâng cao mức độ tương tác qua môi trường mạng trong hoạt động của Quốc hội; cho phép các đại biểu Quốc hội sử dụng thiết bị thông minh của mình để đăng ký phát biểu, đăng ký tranh luận; bảo đảm thực hiện các kỳ họp, phiên họp không giấy tờ… Từ đó góp phần nâng cao năng lực, gia tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong hoạt động của Quốc hội./.
Theo Chinhphu.vn