Tiếng Việt | English

30/05/2017 - 10:44

“Sốt” đất vùng ven TP.HCM - Bài 2: Cơ hội để “cò” đất “kiếm ăn”

Dù được cảnh báo là “sốt” đất ảo vì không đúng với giá trị thực tế nên tiềm ẩn nhiều rủi ro trắng tay và dễ dẫn đến những hệ lụy khác gây khó khăn cho việc quản lý đất đai, quy hoạch,... nhưng đó lại là điều vui với những “cò” đất vì đây là cơ hội tốt để “kiếm ăn”.


Các bảng quảng cáo dịch vụ mua, bán đất dày đặc ở một đoạn đường qua xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa

Hiện nay, đi qua các tuyến đường ở nhiều xã của các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Long An) đều tràn lan những bảng quảng cáo làm dịch vụ mua, bán đất kèm theo số điện thoại liên lạc, thông tin diện tích đất, loại đất được treo ngổn ngang dọc các bờ rào hoặc dựng trước nhà dân, quán cà phê. Trong đó, nơi dày đặc quảng cáo, dịch vụ đất đai nhiều nhất có lẽ là ở các tuyến đường qua địa bàn các xã: Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ, Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc của huyện Đức Hòa. Vì thế, thấy người lạ đi vào những vùng “sốt” đất thì ngay lập tức sẽ có những “cò” đất, môi giới đất đai chào hỏi có nhu cầu mua đất không?

Ghé vào một cây xăng ở khu vực xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, bỗng dưng có một người bán vé số khoảng 45 tuổi lại mời chào vé số, đồng thời dò hỏi có nhu cầu mua đất thì sẽ giới thiệu cho. Thấy tôi gật đầu, người phụ nữ cho biết tên Nguyên và quả quyết, nắm rất rành về các điểm bán đất ở khu vực này. Không ngần ngại, người phụ nữ bước lên ngồi sau xe máy của tôi để chỉ đường vào khu đất. Sau chừng 5 phút chạy vòng vèo, người phụ nữ dẫn tôi ra một khu đất còn trống ở ấp Mới 1, xung quanh đó có khá nhiều nhà dân.

Ngoài giới thiệu về khu đất, đường kết nối thì người phụ nữ còn lục lọi trong túi đựng vé số một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được photo để tôi xem. Theo giấy tờ, bãi đất trống này có diện tích 165m2 (đất ở) và thuộc quyền sở hữu của ông Lý Phước Q., ngụ TP.HCM. Không tự nhận mình là “cò” đất, người phụ nữ này nói mình là bà con họ hàng của chủ đất này nên được nhờ giới thiệu giúp. Nếu giới thiệu bán đất thành công sẽ được hưởng 20 triệu đồng. Hỏi giá, người phụ nữ quả quyết, miếng đất bán 700 triệu đồng.

“Ở vùng này đất đang có giá, hơn nữa, khu đất nằm ở vị trí đẹp nên mức giá đó là rẻ rồi đó em” - người phụ nữ nói. Thấy tôi không “kết” miếng đất này, người phụ nữ lại tiếp tục đi theo xe để chỉ dẫn đến một số khu đất ở gần đó với mức giá đưa ra từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng/lô. Chào người phụ nữ ra về và hứa tiếp tục suy nghĩ, có gì liên lạc lại sau thì người phụ nữ còn nói với tôi: “Có gì thông tin sớm cho chị biết, chứ muộn là hết!”.


Một người bán vé số, kiêm cò đất dẫn khách đi mua đất

Chừng 15 phút sau, chúng tôi dừng xe trên một đoạn đường gần UBND xã Mỹ Hạnh Bắc rồi lấy điện thoại chụp hình mấy tấm bảng quảng cáo mua, bán đất. Ngay lập tức, có một người đàn ông chạy xe ôm phóng đến thắng cái két rồi hỏi “Anh có nhu cầu mua đất à?”. Tôi chưa nói gì, người này huyên thuyên: “Anh muốn mua đất thổ, đất vườn hay đất lúa, em dẫn đi xem”.

Còn tại huyện Bến Lức, theo thông tin trên tờ quảng cáo, chúng tôi gặp ông V. - một nông dân và tự giới thiệu “lý lịch”, có thời gian hơn 3 năm làm “cò” đất tại ấp 6, xã Mỹ Yên. Ông V. cho biết: “Giá đất ở riêng khu vực xã Mỹ Yên và Tân Bửu hiện đang tăng vọt từng ngày. Hiện, một miếng đất khoảng 100m2 giáp đường nhựa hoặc đường bêtông, xe ôtô ra vào được có giá dao động từ 400-700 triệu đồng”.

Dẫn chúng tôi đến một mảnh đất rộng 460m2 tọa lạc ngay ngã 3, đường nhựa thuộc khu vực ấp 6, xã Mỹ Yên, ông V. giới thiệu: “Miếng đất này được lên thổ, hiện phân làm 3 lô, 2 lô giá 680 triệu đồng, còn 1 lô giáp 2 mặt đường có giá 1,5 tỉ đồng. Nếu các anh đồng ý mua hết cả 3 lô thì giá có thể thương lượng một chút với chủ đất, còn mua lẻ chắc chắn không giảm”.

Tiếp tục dẫn chúng tôi đến một khu đất khác giáp ranh giữa 2 xã Mỹ Yên và Tân Bửu, ông cho biết, cách đây 1 năm, chính ông là người giới thiệu mua, bán thành công cho một chủ đất với diện tích 2.000m2 với mức giá 1,5 tỉ đồng. Nhưng nay, phần đất này được chủ đất đầu tư thêm đường bêtông và phân làm 20 lô bán lại cho một công ty ở TP.HCM để bán lẻ. Hiện, 1 lô với diện tích từ 100-120m2 tại đây có giá khoảng 500 triệu đồng. Bên cạnh khu vực xã Tân Bửu, Mỹ Yên, các xã gần với TP.HCM khác như Thanh Phú, Phước Lợi, giá đất cũng tăng chóng mặt trong thời gian qua.

Theo “cò” V., mấy tháng nay có thêm nhiều người làm “cò” đất, sau mỗi lần môi giới mua, bán đất thành công đều được hưởng tỷ lệ. Người nào môi giới được nhiều thì có khi giàu lên. Còn một “cò” đất tên T. ở huyện Đức Hòa lại cho biết, mức tỷ lệ phần trăm “cò” được hưởng sau mỗi lần mua, bán đất thành công là theo giá trị của đất. Chẳng hạn như ở khu vực Đức Hòa, giá trị đất dưới 1 tỉ đồng thì được hưởng 3%, còn từ 1 tỉ đồng trở lên thì hưởng 2%.

“Vài tháng qua, tôi môi giới mua, bán thành công cả chục miếng đất và kiếm được số tiền kha khá. Hiện, tôi tiếp tục tìm đất cho mấy mối quen ở TP.HCM. Những người này thường xuyên nhờ tôi tìm mua đất, sau đó bán lại” - “cò” đất T. thổ lộ.

Thế nhưng, theo “cò” T., ngoài làm môi giới thì thỉnh thoảng gặp vụ “ngon ăn”, cũng có những “cò” đất còn mạo hiểm bỏ tiền cọc để mua đất. Trong thời gian hẹn làm giấy tờ thì “cò” đất tìm người sang lại với giá cao để kiếm lời. Theo T. thổ lộ: “Do không có vốn liếng nên ít khi mua đất bán lại, thế nhưng trong tháng 4-2017, có một miếng đất chủ ra giá 230 triệu đồng, thế là tôi sẵn sàng bỏ ra 30 triệu đồng đặt cọc để mua. Đúng 2 tiếng sau, tôi có lời mấy chục triệu đồng khi sang lại cho người khác với giá gần 300 triệu đồng. Đúng là dễ ăn, nói ra có người không tin. Cứ trúng mánh thế thì mấy chốc mà giàu!”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành, ở địa bàn Đức Hòa nhiều lần “sốt” đất, có những người đầu cơ mua để bán lại kiếm tiền lời nhưng rồi không bán được nên tán gia bại sản, nợ nần. Hầu hết những người tìm mua đất đến từ TP.HCM, có nhiều người không phải mua vì có nhu cầu ở mà thực tế là đầu cơ mua để bán lại kiếm lời.

“Tình trạng “sốt” đất như thời gian gần đây rất dễ xảy ra những hệ lụy như tranh chấp, khiếu kiện đất đai, nợ nần và nhiều vấn đề phát sinh khác,... Việc này cũng ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn. UBND huyện đề nghị các xã khuyến cáo người dân cảnh giác” - ông Trần Văn Lành cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam - Nguyễn Văn Phước cũng thông tin, sau năm 2002 thì đến nay, ở địa bàn mới quay lại thời kỳ “sốt” đất như thế! Hiện, cơn “sốt” có vẻ bắt đầu hạ nhiệt so với cách đây 1 tháng, thế nhưng, chưa biết “sốt” đất khi nào mới dừng lại. “Để tránh hậu quả, hệ lụy của “sốt” đất ảo, chúng tôi khuyến cáo người dân cần nắm rõ những thông tin về quy hoạch và sử dụng đất đai, không mua, bán đất theo kiểu giấy tay. Thực tế, thời gian gần đây cũng có trường hợp mua, bán đất không xác minh kỹ, giấy tay, sau đó đến xã khóc lóc” - ông Phước nói./.

Vũ Quang - Nhật Minh

“Sốt” đất vùng ven TP.HCM - Bài 1: Giá đất “nhảy, múa”chóng mặt

“Sốt” đất không chỉ diễn ra ở các huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh - TP.HCM mà còn “tràn” sang nhiều xã thuộc các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An.

 

Chia sẻ bài viết