Tiếng Việt | English

08/01/2019 - 14:30

“Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”

Phong trào thi đua “Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh hưởng ứng. Hàng loạt mô hình, cách làm hiệu quả, nhiều nguồn vốn được hỗ trợ,... tạo điều kiện cho những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Trao bảng tượng trưng hỗ trợ bò cho người nghèo

Nhờ những nguồn vốn

Từ một hộ nghèo không có đất sản xuất nhưng nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Bùi Thị Chông, ngụ ấp Kênh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá. Với chị, những ngày gian khó đã qua là động lực để chị vươn lên trong cuộc sống và tham gia công tác xã hội, giúp những người đồng cảnh ngộ như mình năm xưa.

Chị thông tin, nhiều năm trước, khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng chị không có ruộng đất nên phải làm mướn để sinh sống. Do điều kiện còn lắm khó khăn nên cái nghèo cứ đeo bám gia đình chị. Nhờ chăm chỉ lao động, năm 2007, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã, gia đình chị được xét vay 5 triệu đồng để chăn nuôi heo. Từ số tiền này, chị mua heo về nuôi đẻ và tận dụng nguồn con giống nuôi heo thịt. Nhờ cần mẫn chăm sóc, đàn heo của gia đình chị phát triển khỏe mạnh. Cứ thế, số lượng heo ngày một tăng lên, sau khi xuất chuồng, chị thu nhiều lợi nhuận, không chỉ trả được nợ vay mà còn mua được 1,5ha đất ruộng.

Đến năm 2010, chị được xét vay 15 triệu đồng để có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, vào thời điểm này do heo bị rớt giá, chị chuyển sang mua bò về nuôi vỗ béo. Mỗi đợt bán bò (20-30 ngày), chị thu lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng. Bán hết đợt bò này, chị lại mua đợt bò khác về nuôi và số lượng ngày một nhiều hơn, hiện tại đàn bò của gia đình chị lên đến vài chục con. Từ số tiền tích góp được, vợ chồng chị mua thêm đất sản xuất. Hiện nay, gia đình chị có 16ha đất ruộng, 4 chiếc máy cày, 3 đầu máy cuộn rơm,... Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình chị khoảng 800 triệu đồng.

Tương tự, chị Phạm Thị Ngọc Thu, ngụ ấp 2, xã Tân Ân, huyện Cần Đước, cũng nhờ “vốn mồi” mà cuộc sống gia đình chị bớt nhọc nhằn hơn xưa. Gia đình hai bên nghèo khó nên khi vợ chồng chị nên duyên và ở riêng, họ phải tự lập. Khi 3 đứa con nhỏ chào đời cũng là lúc hoàn cảnh gia đình lại thêm túng thiếu. Qua sự giới thiệu từ địa phương, chị được hỗ trợ vay số tiền 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Chị nói: “Có số tiền đó, vợ chồng tôi mới được như ngày nay. Hàng ngày, chồng đi phụ hồ, còn tôi ở nhà chăm sóc các con và nuôi bò. Đến nay, số lượng bò được 3 con. Tôi sẽ chí thú cùng chồng làm ăn để cuộc sống gia đình đỡ vất vả”.

Đồng hành cùng người nghèo

Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Trang, ngụ ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tất bật chăm chút cho ngôi nhà mới. Đây là nhà đại đoàn kết vừa được UBMTTQ Việt Nam xã vận động hỗ trợ xây mới. Nở nụ cười thật tươi, chị Trang chia sẻ, vợ chồng chị cưới nhau đã nhiều năm, có 2 người con đang trong độ tuổi ăn học. Từ trước đến nay, gia đình chị sinh sống chủ yếu bằng nghề làm mướn nên ngôi nhà xuống cấp nhiều năm vẫn không có điều kiện sửa chữa. Có được ngôi nhà mới trong những ngày giáp tết, vợ chồng chị mừng lắm! Chị nói: “Vợ chồng tôi được MTTQ và các ngành, đoàn thể địa phương nhận đỡ đầu nên cuộc sống không còn vất vả như xưa. Không chỉ được xét tặng 55 triệu đồng xây dựng nhà mới, đoàn viên, thanh niên xã còn phân công lực lượng đến hỗ trợ ngày công lao động, Hội Nông dân Việt Nam xã xét hỗ trợ 1 con bò trị giá 20 triệu đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã và một số mạnh thường quân khác cũng tặng những vật dụng cần thiết trong nhà,... Có được ngôi nhà mới, chồng tôi yên tâm đi theo công trình để phụ hồ, kiếm thêm thu nhập, còn tôi ở nhà vừa làm mướn, vừa chăn nuôi,... Tôi cảm ơn chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để gia đình tôi thoát nghèo”.

Đoàn viên thanh niên xã Hướng Thọ Phú hỗ trợ ngày công lao động xây nhà cho chị Nguyễn Thị Trang

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Hướng Thọ Phú - Võ Thị Thanh Hằng cho biết, địa phương làm tốt công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vay vốn ưu đãi qua các hội, đoàn thể,... Đặc biệt, Hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững là một trong những mô hình mang tính xã hội cao, được UBMTTQ Việt Nam xã phối hợp các tổ chức thành viên thực hiện thông qua nhiều mô hình và cách làm khác nhau, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo UBND tỉnh, phong trào “Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” là một trong những phong trào thi đua sôi nổi, góp phần hỗ trợ những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... Các ngành, đơn vị, địa phương,... tùy vào điều kiện thực tế thực hiện phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Nổi bật trong phong trào này là nhiều mô hình giảm nghèo bền vững; giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo của các hội, đoàn thể cấp cơ sở; những cán bộ làm công tác giảm nghèo tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm; sự đồng hành của tập thể, doanh nghiệp, mạnh thường quân,... cùng đóng góp kinh phí, công sức, trí tuệ để giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong tỉnh. Từ sự chung sức ấy, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 9.108 hộ nghèo, chiếm 2,22%.

Nhờ nguồn vốn vay, chị Phạm Thị Ngọc Thu mua bò về nuôi

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng, phong trào “Long An chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” thể hiện qua việc nhân dân trong tỉnh đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh vận động Quỹ “Vì người nghèo” trên 42,8 tỉ đồng. Từ số tiền đó, tỉnh xây dựng và sửa chữa trên 1.200 căn nhà đại đoàn kết, số tiền hơn 40 tỉ đồng; tặng quà cho người nghèo, có hoàn cảnh kém may mắn với số tiền trên 20,6 tỉ đồng./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết