Tiếng Việt | English

18/09/2018 - 21:50

“Đẹp” như “Người đồng bằng”

Người đồng bằng - vở cải lương của Đoàn Văn công Đồng Tháp trong Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 như một bức tranh đẹp về miền Tây. Đó là hình ảnh những đầm sen, cánh đồng lúa, vườn cây trái xum xuê, con sông chở nặng phù sa và đặc biệt là người dân quê chân chất, thật thà đang chung tay xây dựng quê hương.

Hình ảnh những người phụ nữ của vùng đất chín rồng chở nặng phù sa

Vở diễn là câu chuyện xoay quanh người dân vùng “đất sen hồng” chân chất, thật thà, được đầu tư nghiêm túc về nội dung kịch bản, hình ảnh, thiết kế sân khấu cùng sự tham gia của hơn 70 nghệ sĩ (NS), diễn viên, hậu đài,... Vở diễn như một “giai điệu” nhẹ nhàng, xoay quanh chủ đề xây dựng nông thôn mới, không có những đoạn cao trào lấy nước mắt khán giả và là đề tài xây dựng nông thôn mới nhưng Người đồng bằng chinh phục người xem bởi sự phản ánh chân thực cuộc sống và khắc họa thành công tính cách của người dân miền Tây.

Phó Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp, Chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn - NS Kim Oanh cho biết: “Đoàn Văn công Đồng Tháp cân nhắc rất kỹ trong việc chọn đề tài tham gia liên hoan. Mục tiêu hướng tới không chỉ là phản ánh chân thực cuộc sống mà còn gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, phù hợp với đời sống hiện nay và đặc biệt là phục vụ địa phương. Người đồng bằng với đề tài xây dựng nông thôn mới được ra đời từ ý nghĩa đó. Mặc dù nội dung kịch bản hướng đến mục đích tuyên truyền nhưng được sân khấu hóa, nghệ thuật hóa một cách tinh tế nên vở diễn dẫn dắt người xem cuốn theo câu chuyện của từng nhân vật”.

Người đồng bằng chia đều đất diễn cho 7 nhân vật chính: NSƯT Hải Yến vai bà nội, NSƯT Trọng Vương vai ông Ba, NS Huyền Trân vai bà Ba, NS Kim Oanh vai bà Hai, tài năng trẻ Nam Thanh Phong vai Quyết,... Trong đó, vở diễn đi sâu vào tính cách, việc làm của những người trẻ - thế hệ dựng xây đất nước hôm nay.

Trong vở diễn, nếu ông Ba là người bảo thủ, chưa hiểu lợi ích của việc chung tay xây dựng nông thôn mới thì bà nội, bà Ba, bà Hai, Quyết, Duyên,... là những người có tư tưởng tiến bộ. Đặc biệt, Quyết và Duyên hiểu rõ trách nhiệm chủ thể của mình nên quyết tâm học tập thật tốt để dùng đôi tay khéo léo cùng tri thức giúp đồng bằng thay "áo mới".

NS Huyền Trân vai bà Ba, tâm sự: “Còn trẻ nhưng vào vai người lớn tuổi nên tôi học hỏi và tập luyện rất nhiều, đặc biệt là thể hiện tâm lý nhân vật. Đây cũng là dịp giúp tôi trau dồi, học hỏi và trưởng thành hơn với nghề. Câu chuyện trong vở diễn cũng gần gũi, thân thuộc với người dân, đặc biệt là người miền Tây”.

Tình yêu đôi lứa góp phần tiếp thêm sức mạnh để người trẻ vươn lên 2 thế hệ ở 2 mặt trận khác nhau nhưng cùng chung chí hướng là xây dựng quê hương

Ngoài câu chuyện nhẹ nhàng, lời ca ngọt ngào nức lòng khán giả, Người đồng bằng “lấy lòng” người xem bởi thiết kế sân khấu hoành tráng, đẹp mắt. Đó là hình ảnh cây xoài, cây quýt, đầm sen, khạp nước, con vịt,... đậm chất miền Tây kết hợp cùng màn hình led, âm thanh, ánh sáng để mỗi phân đoạn của vở diễn đều sống động như thật. Có lẽ, đây cũng là một trong những vở diễn được đầu tư nhiều về phần thiết kế sân khấu nhất trong liên hoan năm nay.

NS Kim Oanh chia sẻ thêm: “Liên hoan 3 năm diễn ra 1 lần nên Đoàn Văn công Đồng Tháp muốn cống hiến một tác phẩm chỉn chu nhất về nội dung lẫn hình thức. Do đó, tất cả thành viên trong đoàn, những người cùng tham gia góp sức cho vở diễn làm việc nghiêm túc và nỗ lực hết mình”.

Nhờ dồn hết tâm huyết vào vở diễn, Người đồng bằng để lại ấn tượng đẹp với người xem, là một trong những vở đặc sắc từ khi diễn ra liên hoan đến nay. Khán giả Huỳnh Thị Vình (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Các vở diễn tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 tại Long An hầu như vở nào tôi cũng xem. Mỗi vở diễn có một cái hay riêng nhưng vở Người đồng bằng đặc biệt ấn tượng với tôi bởi hình ảnh đẹp, NS ca hay, diễn tốt, nội dung quen thuộc với người miền Tây. Tôi có thể bắt gặp hình ảnh chính mình trong đó. Đặc biệt, ngoài những câu vọng cổ, vở diễn còn lồng những bài múa, bài hát dân ca. Tất cả tạo nên một vở diễn đặc sắc và thỏa lòng khán giả”.

Những bảo thủ, lợi ích cá nhân rồi sẽ nhường chỗ cho sự đồng lòng xây dựng quê hương

Với sự đặc sắc, thông điệp rõ ràng, Người đồng bằng không dừng lại ở liên hoan mà sẽ là vở diễn được lòng khán giả khi diễn ở các địa phương. Để thấy rằng, người đồng bằng hôm nay vững bước tương lai cùng chung tay xây dựng quê hương đẹp giàu như thế nào!

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết