Tiếng Việt | English

21/11/2020 - 12:00

“Cùng góp gạo thổi cơm chung”

Từ “góp gạo thổi cơm chung” nhằm nhắc đến việc những đôi nam, nữ sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Nhưng đối với những công nhân, lao động (CNLĐ), nhất là những CNLĐ nhập cư, việc cùng làm chung công ty (Cty), chơi thân lâu ngày, nhiều công nhân sống cùng khu nhà trọ quyết định “góp gạo thổi cơm chung” vừa để có được cảm giác đầm ấm của gia đình, vừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày, giảm bớt chi phí.

Cuộc sống khó khăn với mức thu nhập thấp, nhiều CNLĐ chọn cách thuê chung phòng trọ để tiết kiệm

Chung tay vượt khó

Chúng tôi có mặt tại khu nhà trọ Kiến Thành (xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vào một buổi chiều muộn. Căn phòng trọ chừng 12m2 là nơi ở của 3 nữ công nhân đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Chị Nguyễn Ngọc Điệp (31 tuổi), quê ở Hậu Giang, lên đây thuê nhà trọ làm công nhân cho một Cty chuyên may áo khoác, cho biết: “Công nhân sống ở khu trọ đến từ nhiều nơi, mỗi người làm một Cty khác nhau, giờ giấc sinh hoạt cũng khác nhau nên lúc đầu thường phòng nào biết phòng đó. Còn tôi với 2 chị phòng bên cạnh hay nói chuyện, lâu ngày quen thân hơn, thường xuyên giúp đỡ nhau, rồi sau khi suy tính kỹ, chúng tôi quyết định gom lại một phòng để cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung”.

Còn chị Hoàng Thị Nụ, ở khu nhà trọ 7 Công (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), chia sẻ: “Với đồng lương công nhân eo hẹp, hầu hết mọi người đều lựa chọn thuê phòng trọ giá rẻ. Ở Cty tôi đang làm, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, chưa tính tăng ca, những lúc gần đây lại càng khó do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, nhiều công nhân chọn cách rủ nhau 3 - 4 người thuê chung 1 phòng để giảm bớt chi phí. Người góp gạo, người góp rau, người góp cá khô, trái cây… nói chung ai có gì góp đó. Mỗi lần có thực phẩm ở quê gửi lên, chúng tôi cũng dùng được một thời gian, vừa tiết kiệm tiền mà bữa cơm cũng được cải thiện, đầy đủ chất dinh dưỡng hơn”.

Anh Huỳnh Văn Lập, công nhân Cty TNHH túi xách Simone (Khu Công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc), tâm sự: “Với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng, nếu muốn gói ghém, chúng tôi phải lựa chọn những căn phòng trọ giá rẻ. Một căn phòng trọ khoảng 12m2, giá thấp nhất cũng tầm 700.000-800.000 đồng/tháng, vì vậy chúng tôi thường rủ nhau ở ghép 3 - 4 người để giảm chi phí. Chúng tôi góp tiền đi chợ nấu ăn để tiết kiệm tiền gửi về quê phụ giúp gia đình”.

Khu Công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa thu hút số lượng lớn CNLĐ đến làm việc. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở nơi này tăng cao. Nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ, vài doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, những quy định “khắt khe” về nội quy, giờ giấc,... tại các khu nhà lưu trú khiến nhiều CNLĐ thích ở trọ hơn. Điều này càng khiến cho giá thuê phòng trọ bị đẩy lên cao. Để tiết kiệm tiền, hầu hết công nhân rất ít khi mỗi người chọn 1 phòng mà thường ở ghép.

Hệ lụy sống thử

Ngoài việc đơn thuần là thuê chung phòng trọ để giảm bớt chi phí của những người bạn là CNLĐ làm chung Cty hoặc làm gần nhau, việc “góp gạo thổi cơm chung” cũng kéo theo nhiều hệ lụy của những CNLĐ là những đôi nam, nữ. Công việc vất vả lại sống xa gia đình, nhiều CNLĐ, đặc biệt là lao động nữ không tránh khỏi cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Cũng chính vì thế, khi họ gặp người nào đó đồng cảm với mình là chấp nhận cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung” ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Đề cập đến vấn đề này, một Chủ tịch Công đoàn của một Cty ở Cần Giuộc (không muốn nêu tên) chia sẻ: “Nhiều nữ CNLĐ lựa chọn cách... sống thử. Thế nhưng, từ những quyết định vội vàng như thế, biết bao bi kịch xảy ra, để rồi hậu quả gánh chịu cuối cùng vẫn là người phụ nữ. Người thì bị bạn trai đánh đập, người thì bị bỏ rơi khi bạn trai biết tin người yêu có thai, không có tiền cũng khiến họ mâu thuẫn nhau…”.

Thực tế cho thấy, đời sống của CNLĐ hiện nay đã được quan tâm chăm lo rất nhiều của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp và các ngành chức năng. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước và các cấp, các ngành, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều dự án hỗ trợ CNLĐ nhằm góp phần nâng cao đời sống cho CNLĐ, nhất là CNLĐ nữ./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết