Các hộ dân được hỗ trợ xây nhà ở vừa tăng gia sản xuất, vừa cùng lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia
An cư, lạc nghiệp
Việc thực hiện đề án nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu cùng các sở, ngành. Theo đó, tỉnh xây dựng, bàn giao 24 điểm/254 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng, trong đó có 9 điểm/45 căn liền kề đồn, trạm biên phòng.
Sau thời gian triển khai, thực hiện đề án, diện mạo vùng biên giới của tỉnh có nhiều khởi sắc, cuộc sống của người dân từng bước ổn định. Người dân không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực tham gia cùng lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), địa phương giữ gìn an ninh, trật tự, giữ vành đai, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, góp phần tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ liên hoàn, khép kín, vững chắc trên tuyến biên giới.
Có dịp đến Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, chúng tôi nhận thấy hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Điểm dân cư được bố trí trên khu đất bằng phẳng, ngoài nhà ở, điện, đường, nước sinh hoạt,... đều đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Nhớ (ấp Sông Trăng, xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng) - một trong những hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở trên phần đất của mình tại Điểm dân cư liền kề xã Hưng Hà, cho biết: “Gia đình tôi làm ruộng và gắn bó với nơi đây đã nhiều năm. Giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của riêng ai mà của tất cả mọi người dân Việt Nam, nhất là những người dân vùng biên giới. Khi được Quân khu 7 và các cấp, ngành hỗ trợ xây dựng căn nhà, tạo điều kiện an cư, lập nghiệp, gia đình tôi có thêm động lực để lao động, sản xuất và cùng lực lượng chức năng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”.
Cũng như ông Nhớ, nhiều hộ gia đình khác được hỗ trợ xây dựng nhà ở, phương tiện sinh kế và một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình để an cư, lập nghiệp. Hiện nay, các hộ đều có mô hình phát triển kinh tế phù hợp điều kiện của mỗi gia đình nên ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.
“Cột mốc sống” bảo vệ vùng đất phên giậu
Long An có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 135km. Để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngoài tuần tra, kiểm soát, lực lượng BĐBP tỉnh còn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc.
Qua tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân khu vực biên giới nâng lên. Người dân xác định được vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia nên sẵn sàng đồng hành cùng lực lượng BĐBP trong tuần tra, bảo vệ biên giới. Người dân địa phương còn cung cấp những thông tin giá trị giúp lực lượng chức năng kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Được hỗ trợ xây dựng nhà ở trong điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, nhiều người vui vì đã an cư
Nhờ hạ tầng được đầu tư khang trang nên cuộc sống của người dân Điểm dân cư liền kề xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa có chiều hướng phát triển. Mỗi hộ dân tại điểm dân cư liền kề được xem là “cột mốc sống” cùng với dân quân thường trực, BĐBP, công an giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Người dân tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc và đấu tranh tố giác tội phạm để giữ gìn an ninh, trật tự.
Ông Hồ Hoàng Thuận (ấp 1, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) bày tỏ: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhà ở, chúng tôi sẽ cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, cùng lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Có như vậy mới tạo điều kiện tốt để gia đình và các hộ dân nơi đây ổn định cuộc sống”.
Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là giải pháp tăng cường sức mạnh bảo vệ vững chắc vành đai biên giới từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, ổn định, phát triển. Việc xuất hiện các điểm dân cư ở khu vực biên giới đã làm thay đổi diện mạo vùng biên.
Những ngôi nhà trong điểm dân cư vừa là “bức tường thành” nơi miền phên giậu, vừa là động lực để người dân lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Qua đó, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển./.
Ngọc Mận - Huỳnh Hương